Điểm mặt những “sản phẩm mới”
Đó là những sản phẩm sữa đựng trong hộp giấy, thiếc, bao nylon đang bán trên thị trường. Theo Viện trưởng Lê Hoàng Ninh, dù đây là đợt khảo sát hằng năm theo chỉ đạo của Bộ Y tế để có cơ sở ban đầu quyết định tiến hành thanh kiểm tra toàn diện, nhưng kết quả chênh lệch quá lớn giữa hàm lượng protid mà các cơ sở công bố trên bao bì với kết quả kiểm nghiệm thực tế khiến ai cũng phải giật mình. Cụ thể, trong số 99 mẫu sữa được khảo sát, chỉ 62 mẫu có hàm lượng đạm đạt so với ghi trên bao bì sản phẩm đã công bố, số còn lại hàm lượng đạm thực tế thấp hơn ghi trên bao bì sản phẩm từ 1-30 lần!
Điển hình có thể kể là nhiều sản phẩm của Công ty Vinacali Co.td (Phạm Văn Chí, P.7, Q.6, TP.HCM), như sữa bột nguyên kem Intellac, hộp giấy 400g dành cho trẻ đang phát triển, trẻ suy dinh dưỡng và người cao tuổi, lượng protid ghi trên bao bì là 28% nhưng kiểm nghiệm chỉ có 1,32%; sữa bột nguyên kem Intellac tăng trưởng chiều cao, đựng trong bao nylon 500g hàm lượng công bố trên bao bì 29%, kiểm nghiệm có 0,96%; sữa bột Supermilk dùng cho trẻ đang tăng trưởng, trẻ trên 1 tuổi, hộp thiếc 400g, hàm lượng công bố lên đến 30%, kiểm nghiệm có 2,5%; sữa Mỹ Intellac dùng cho trẻ đang phát triển, người già suy yếu, suy dinh dưỡng, đựng trong bao nylon 500g, hàm lượng công bố 29%, kiểm nghiệm có 1,11%.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua 6.2, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận: "Trước khi nói đến các ảnh hưởng về sức khỏe do sản phẩm kém chất lượng gây nên, chúng tôi thấy rằng người tiêu dùng đang bị móc túi vì mua phải sữa giả, sữa kém chất lượng. Để xảy ra tình trạng này, cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm rất lớn trước người dân". Ông Khẩn cũng cho biết Cục đã yêu cầu Sở Y tế TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra xử lý các sản phẩm sữa kém chất lượng và các nhà sản xuất có các sản phẩm vi phạm. (Nam Sơn) |
Công ty TNHH Thanh Ngọc (Nguyễn Chí Thanh, P.14, Q.11, TP.HCM) có 2 sản phẩm qua kiểm nghiệm cũng cho kết quả chênh lệch cao gồm: sữa bột béo nguyên kem "New Milk" dành cho trẻ 2 tuổi trở lên, bao nylon 500g, hàm lượng protid công bố 22%, kiểm nghiệm có 5,81%; sữa bột béo Hà Lan, dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, hàm lượng công bố 5%, kiểm nghiệm chỉ 0,5%. Sữa bột Gold Weightton, dùng cho trẻ từ 2 tuổi và người già, hộp giấy 400g, của Công ty TNHH CBLTTP CMB (đường Dân Tộc, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM), hàm lượng protid công bố 30%, kiểm nghiệm có 2,5%. Sữa bột “Titifood”, cho trẻ từ 2 tuổi, hộp giấy 400g, của DNTN Hoàng Ngọc (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM), hàm lượng protid công bố 4,23%, kết quả kiểm nghiệm là 3,1%...
Sữa "dỏm" do đâu?
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, dinh dưỡng, nguyên do của tình trạng trên là có nhiều cơ sở, công ty pha trộn nguyên liệu sữa rẻ tiền, có nguồn gốc từ nhiều nơi, rồi đóng gói, vô bao, và tự công bố chất lượng sản phẩm. Thậm chí, có cơ sở lấy sản phẩm của một cơ sở khác tốt hơn để làm mẫu đem đi kiểm nghiệm, rồi lấy kết quả đó công bố hàm lượng sản phẩm sữa của mình.
Phó tổng giám đốc một công ty cổ phần thực phẩm ở TP.HCM, người từng làm quản lý tại nhiều cơ sở sản xuất sữa, nói: "Tôi biết có rất nhiều cơ sở vì lợi nhuận đã sử dụng nguyên liệu rẻ tiền để pha trộn thành các loại sữa "cao cấp" tung ra thị trường. Các loại nguyên liệu này có thành phần chủ yếu là chất béo, không có vitamine, khoáng chất, đặc biệt thành phần quan trọng nhất là đạm sữa thì tỷ lệ rất thấp, dưới 2%, so với tiêu chuẩn của WHO, FAO là 11%-15%. Nguồn nguyên liệu này có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc... giá thành chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi nguyên liệu sữa bột tốt có giá dao động từ 70.000 - 85.000 đồng/kg”.
Ngoài sự cố ý của một số doanh nghiệp, việc quản lý quá lỏng lẻo, công tác hậu kiểm chưa tốt... cũng là nguyên do dẫn đến sản phẩm sữa kém chất lượng được tung tràn lan ra thị trường.
Đáng lo ngại, theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, việc công bố hàm lượng đạm không đúng không những gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà nếu cho trẻ em dùng sữa thiếu đạm trong thời gian dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, phù... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng phát triển của trẻ.
Thanh Tùng
Bình luận (0)