“Thấy người ta có chồng kề bên trong lúc sinh rồi hạnh phúc đưa nhau về nhà, tôi buồn lắm. Nhưng nghĩ chồng ở phương xa chắc cũng lo lắng và sốt ruột nên lấy đó làm nỗi an ủi để vượt cạn”, chị Thanh tâm sự.
Hai lần lỡ hẹn
Tốt nghiệp ngành trung cấp máy năm 2001, anh Vũ Hồng Trường xin vào làm ở một xí nghiệp thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 1, quản lý các hải đăng dọc bờ biển miền Trung. Kể từ đó anh nay đây mai đó với những công trình xây dựng hải đăng ở các tỉnh để lắp đặt và kiểm tra hoạt động của các loại máy phục vụ việc hoạt động của đèn biển. Những chuyến đi xa càng lâu càng khiến nỗi nhớ người yêu nơi quê nhà dâng trào nên cả hai quyết định cưới nhau một năm sau đó. Hỏi vì sao biết xa nhau vẫn tiến đến hôn nhân, đôi vợ chồng trẻ đều có chung câu trả lời: tình yêu.
"Chỉ mong sao anh sớm được chuyển về công tác gần nhà hơn để khỏi phải có những chuyến đi xa hàng năm trời, mong sao có một nhịp cầu Ô Thước để nối đôi bờ vợ chồng gần nhau hơn" |
Ngày chị Thanh biết mình có thai đứa con đầu lòng cũng là lúc anh Trường đang kỳ nghỉ phép ở nhà cùng vợ. Nhưng rồi anh phải lên đường tiếp tục nhận công tác ở xa, cô vợ trẻ một mình chuẩn bị đồ đạc. Khi nhận được tin báo vợ trở dạ là lúc anh đang ở tận Năm Căn (Cà Mau) để xây dựng một công trình đèn biển. Ở nơi xa anh đứng ngồi không yên khi không được bên cạnh vợ lúc khó khăn nhất để nghe tiếng oa oa chào đời của đứa con đầu lòng.
Đến ba tháng sau anh mới có dịp về nhà thăm vợ con. Anh kể về cảm giác lúc đó: “Cũng như mọi người cha, trong giây phút hạnh phúc nhất, tôi muốn có mặt bên vợ và nghe thấy tiếng khóc của đứa con mình, rồi tay xách nách mang đồ đạc chở vợ con về nhà trong niềm hân hoan. Nhưng rồi mơ ước đó không thành. Do vậy, tôi đã đặt ra quyết tâm có mặt bên vợ trong lần vượt cạn thứ hai”.
Bốn năm sau, chị Thanh mang thai đứa con thứ hai. Một buổi chiều gần ngày sinh, chị đi siêu âm với hi vọng xác định chính xác ngày sinh để báo cho chồng biết. Lúc này anh Trường đang xây tháp đèn ở trạm hải đăng Ba Làng An (Quảng Ngãi) và chờ tin nhắn của vợ. “Bác sĩ cho biết hai tuần sau em sinh nên anh sắp xếp công việc sau một tuần nữa về cũng kịp”, người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ lần thứ hai báo tin cho chồng qua điện thoại. Nhận tin anh mừng mừng tủi tủi, chia sẻ ngay với các anh em đang ở bên cạnh. Rồi anh mường tượng đến cảnh cả gia đình sum vầy bên nhau trong bệnh viện, anh sẽ động viên chị vượt qua lúc khó khăn.
Nhưng sáng hôm sau chị trở dạ sớm, chị kể lúc đó nằm trong bệnh viện với cảm giác trống trải bao trùm. Đứa con thứ hai chào đời trong sự đón nhận và hồ hởi của gia đình hai bên, nhưng người vợ trẻ lại nôn nao hơn bao giờ. Chị đếm từng giờ để mong được nghe bước chân của anh vào phòng hậu sản, nghe tiếng anh nói, hỏi thăm, tiếng cười nói của chồng con, nhưng thực tế chỉ là nỗi trống trải trong lòng. Nhìn mấy giường kề bên thấy vợ chồng sum vầy bên nhau, chị ứa nước mắt.
Đến ngày thứ hai ở bệnh viện, anh mới về đến và chạy ào đến ôm vợ bế con trong hạnh phúc tột độ của gia đình nhỏ. Anh nói: “Biết vợ buồn lắm nên nghe tin tôi tức tốc xin phép cấp trên và về ngay. Lần này buồn hơn khi đã định từ trước sẽ về bên vợ lúc sinh nhưng lại không làm được điều đó. Tuy nhiên, cảm giác được bế con dẫn vợ về nhà vẫn đủ khiến tôi hạnh phúc và xóa tan mọi nỗi buồn, mệt nhọc”.
|
Những lá thư và chiếc điện thoại
Trong hành trang mỗi lần đi làm xa của anh Trường, ngoài những kỷ vật của vợ và con, hai thứ anh luôn mang theo bên mình là chiếc điện thoại và những lá thư. Trong những lá thư nhận từ vợ luôn là những lời động viên, khuyên nhủ chồng vơi bớt nỗi buồn xa vợ, nỗi lo cho vợ con quê nhà để tập trung hoàn thành tốt công việc. Nỗi niềm của anh lại chan chứa vơi đầy trong thư hồi đáp, chia sẻ chuyện công việc ở nơi xa, hỏi han tin tức quê nhà, hỏi con mình có chịu ăn đủ bữa không, hỏi chúng có khóc nhè quấy giấc ngủ của vợ không… Với những người làm nghề canh đèn biển luôn xa nhà như anh, mỗi lần có thư của vợ là mang ra khoe và chia sẻ với các anh em cùng đơn vị như san sẻ niềm yêu thương.
Từ khi có điện thoại di động, những lá thư dần thưa thớt và thay vào đó là những lời tâm tình yêu thương của hai vợ chồng dành cho nhau. Tuy nhiên, vì các trạm hải đăng thường đặt ở những rìa mép biển hoặc xa đất liền nên việc bắt sóng vô cùng khó khăn. Có trạm chỉ có đúng một điểm có thể bắt sóng được, thế là tất cả điện thoại di động của anh em phải dồn chung một chỗ. Có nơi phải lắc, phải giơ điện thoại lên cao hoặc bắc thang lên nóc nhà mới nghe được. Ở trạm hải đăng Tiên Sa (Đà Nẵng) - nơi anh vừa chuyển về công tác - xung quanh trạm đều không thể bắt sóng. Mỗi lần gọi về cho vợ, anh lại đi bộ vài kilômet đường rừng lên gần đỉnh mới có sóng.
Anh kể: “Những ngày trời nắng thì vài kilômet đường rừng cũng dễ dàng vượt qua, nhưng mùa mưa gió cực nhọc vô cùng. Có hôm chiều tối trời mưa không ngừng, ngồi bên hiên nhìn cảnh, nhìn trời chịu không được cũng ráng đi lên đỉnh để được nghe giọng của vợ, tiếng bi bô của con, tiếng gia đình nơi phương xa”. Trong chiếc điện thoại của mình, anh lưu tất cả tấm ảnh của vợ con mà mình chụp được lúc về nhà để mỗi lần buồn nhớ lại lấy ra xem cho vơi đi nỗi lòng. Chiếc điện thoại ngoài nhiệm vụ làm sợi dây liên kết những cuộc điện đàm trở thành báu vật và luôn bên anh không rời.
“Sống với bố mẹ chồng cũng được đỡ đần phần nào trong việc chăm sóc con cái, nhưng làm sao bằng cảm giác được có chồng bên cạnh. Lúc sinh nở cũng như khi nuôi con, có chồng bên cạnh vừa có thể phụ nấu cháo, pha sữa hay thay tã vừa đỡ cảm giác một mình nuôi con. Trong nhà thiếu bóng dáng người đàn ông, phụ nữ chúng tôi trống trải và cô đơn lắm” - chị Thanh chia sẻ như nói hộ tâm tình của những người phụ nữ xa chồng một mình nuôi con như chị. Biết được nỗi niềm của vợ và cũng để bù đắp phần nào tình cảm ấy, mỗi chuyến về nhà của anh là ngập tràn niềm vui.
“Ngày xưa tôi hay được ông bà kể cho nghe về chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm chỉ gặp nhau được một lần. Rồi xem phim thấy buồn thay cho chuyện tình của họ, nhưng giờ đây chính mình cũng nằm trong trường hợp đó khi bạn bè cứ ghẹo “Vợ chồng mày cứ như Ngưu Lang - Chức Nữ vậy”. Chỉ mong sao anh sớm được chuyển về công tác gần nhà hơn để khỏi phải có những chuyến đi xa hàng năm trời, mong sao có một nhịp cầu Ô Thước để nối đôi bờ vợ chồng gần nhau hơn”, chị Thanh nói.
Kỳ 1: Chuyện tình "xuất khẩu"
Kỳ 2: Em ở Trung, anh ở Bắc
Theo Phi Long / Tuổi Trẻ
__________________
Đôi vợ chồng trẻ bịn rịn chia tay khi người chồng chuẩn bị lên tàu ra nhà giàn làm nhiệm vụ khi tết đến gần. Chuyến đi có thể kéo dài 10 ngày, 20 ngày hay lâu hơn nên cả hai đều không chắc tết này sẽ được bên nhau…
Kỳ tới: Chuyện tình người lính nhà giàn
Bình luận (0)