Ông Hùng cho biết: Theo báo cáo của tư vấn, các vết nứt hiện nay không ảnh hưởng đến an toàn đập. Chúng tôi đang yêu cầu chủ đầu tư tập hợp báo cáo toàn diện gửi cho Hội đồng. Hội đồng sẽ cử các nhóm chuyên gia độc lập để đánh giá xem xét báo cáo của tư vấn, tổ chức phản biện độc lập và đa chiều nhằm có được sự đánh giá chính xác và tin cậy.
Sơn La không phải là công trình đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC). Chúng ta đã từng thi công một số công trình bằng công nghệ RCC như thủy điện Pleikrong, thủy điện Sê San 4, thủy điện A Vương... qua đó, chúng ta cũng đã tích lũy được một số kinh nghiệm. Công trình thủy điện Sơn La là một công trình trọng điểm, tại đó có Ban chỉ đạo nhà nước, có Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các bộ ngành theo chức năng của mình có kênh kiểm soát riêng, do đó, chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ kiểm soát tốt chất lượng.
Vết nứt theo chiều cao thân đập - Ảnh: K.T.L |
* Hội đồng nghiệm thu và Cục Giám định có bao giờ tính đến phương án dừng thi công công trình để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng nứt?
- Quan điểm chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Sơn La là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không cho phép bất cứ một sai sót nào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bất cứ một khiếm khuyết nào xảy ra chúng ta đều nghĩ tới việc ảnh hưởng đến an toàn, vì nó có rất nhiều cấp độ khác nhau. Hiện nay, theo đánh giá của tư vấn, các vết nứt này không ảnh hưởng đến an toàn đập. Do đó có thể chúng ta có thêm thời gian để xem xét toàn diện. Biện pháp dừng thi công đột ngột, tại thời điểm này chúng tôi chưa đặt ra.
* Thưa ông, cả bên tư vấn lẫn bên thi công đều cho rằng nguyên nhân nứt là do sốc nhiệt. Một số chuyên gia cho rằng sốc nhiệt sẽ gây rạn chân chim chứ không thể có vết nứt sâu 6 mét?
- Khi đổ bê tông, nhiệt độ bê tông bao giờ cũng tăng lên, ví dụ khi mới đổ bê tông, nhiệt độ là 22 độ C, sau khoảng 7 ngày, nhiệt độ trong khối bê tông có thể lên tới 50-60 độ C, nhưng mặt ngoài của khối đổ sẽ nguội đi, trong lòng khối, nhiệt độ vẫn nóng, do đó sẽ xảy ra chênh lệch nhiệt độ giữa trong lòng và ngoài khối, chênh lệch nhiệt độ sẽ gây ra ứng suất, có thể gây nứt. Bất cứ bê tông khối lớn nào cũng có xu hướng này. Khi lên phương án thi công, người ta phải tính các phương án để làm giảm nhiệt độ bê tông xuống càng thấp càng tốt, để giảm chênh lệch nhiệt độ, tránh gây ra nứt do nhiệt.
Vết nứt khoảng hơn 6 mét, nếu với kết cấu nhỏ thì có thể đó là vết nứt lớn, nhưng với thân đập lớn (hiện giờ có chỗ cao hơn 80m - PV) thì người ta lại coi đó là vết nứt ở ngoài.
Sơn La không phải là đập đầu tiên làm bằng bê tông đầm lăn tại Việt Nam |
* Từ tháng 9.2008 đã xuất hiện vết nứt trên khối C2, khi đó Hội đồng có được báo cáo?
- Khi đó chúng tôi cũng có biết, nhưng khi xảy ra vết nứt, cần đánh giá xem đó là trường hợp cá biệt hay là có tính hệ thống. Khi đó chúng tôi cũng yêu cầu báo cáo, tìm nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp xử lý ngay. Đến nay, khi xảy ra thêm nhiều vết nứt, chúng tôi sẽ xem xét chi tiết hơn. Chính vì thế, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
* Thưa ông, việc đánh giá và xử lý vết nứt có ảnh hưởng tới tiến độ thi công của công trình, dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010?
- Theo tôi, việc đánh giá và xử lý vết nứt này không ảnh hưởng lớn tới cả quá trình thi công của công trình. Việc xử lý không quá phức tạp. Vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thi công. Hiện nay Hội đồng đang giao cho 3 tư vấn độc lập. Đến nay, tư vấn đã tạm thời đưa ra các biện pháp để xử lý như đặt lưới thép để tránh sự lan truyền vết nứt, để các khe thoát nước... Bước đầu, tư vấn đánh giá các vết nứt như thế không có ảnh hưởng đến an toàn đập, song tất nhiên vẫn còn phải xem xét thêm.
* Xin cảm ơn ông
Káp Thành Long
> Xuất hiện vết nứt trên đập thủy điện Sơn La
> Xác định lại nguyên nhân gây nứt đập thủy điện Sơn La
Bình luận (0)