Nhà văn Haruki Murakami (sinh ngày 12.1.1949) - Ảnh: Reuters |
Như vậy, sau Người tình Sputnik - tác phẩm đầu tiên của ông đề cập đến vấn đề đồng tính nữ xuất bản hồi đầu tháng 7 năm ngoái, tác giả của Rừng Na Uy Murakami đang chuẩn bị "trở lại" với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, nếu những cuốn sách được dịch trước đây của Murakami thuộc về thể loại truyện ngắn hay tiểu thuyết như Sau cơn động đất, Đom đóm, Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển... thì ở hai tác phẩm mới này, độc giả Việt Nam sẽ được thấy tài năng văn chương của ông qua các thể loại báo chí, tự truyện...
Ngoài những trang viết tạo nên tên tuổi của một nhà văn đương đại hàng đầu Nhật Bản, Murakami còn có một niềm say mê khác là chạy marathon. What I Talk About When I Talk About Running (tạm dịch Tôi nói gì khi tôi bàn về việc chạy bộ) được Murakami viết vào khoảng năm 2005 - 2006, xuất bản tại Nhật Bản vào năm 2007 với tít phụ "Một hồi ký" là một cuộc khám phá những mối kết nối giữa chạy và viết. Ông cho biết: "Không chỉ chuyện chạy, cuốn sách cũng là về một cách sống. Nó không phải là sách hướng dẫn. Cách tôi chạy là cách tôi xưa nay vẫn sống, nên cuốn sách là về những mối kết nối giữa sống, chạy và viết. Thái độ sống của tôi...".
Trong khi đó, cuốn Underground (tạm dịch Ngầm, xuất bản tại Nhật năm 1997 - 1998) được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định cho tài năng của Murakami - vốn hầu như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết - ở thể loại phi hư cấu (non-fiction). Underground viết về thủ đô Tokyo của Nhật Bản tháng 3.1995 bị chấn động bởi một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân - các hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo của một tổ chức tự xưng là giáo phái Aum. Vụ đầu độc này đã làm 12 người chết, hàng ngàn người bị thương...
Bìa 2 cuốn sách của Murakami (bản tiếng Anh) chuẩn bị ra mắt tại Việt Nam - Ảnh: Nhã Nam cung cấp |
Trong loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân và 8 thành viên của giáo phái Aum, Murakami đã đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công, đồng thời cắt nghĩa sự kiện kinh hoàng đó bằng cách nhìn sâu hơn vào những bất ổn của hệ thống xã hội đang được duy trì trong thời hiện đại, bất ổn đằng sau bề ngoài bình lặng của mỗi cá nhân, và con đường dẫn đến tội ác...
Đánh giá về tác phẩm này, The Independent viết: “Xuất sắc. Tác phẩm của Murakami chủ yếu được cấu thành từ lời kể của các nạn nhân. Trong khi nhắc lại cái ngày định mệnh ấy, họ đã đưa nguời đọc đến một góc lạ thường trong cuộc sống của những người dân Tokyo. Kết quả tổng hợp không chỉ là một tác phẩm ấn tượng của nền văn học nhân chứng, mà còn là dư âm độc đáo của những tâm hồn Nhật Bản bình thường”.
Bùi Dũng
(tổng hợp)
>> Bởi Rừng Na Uy đã rất gợi tình...
>> Văn học sẽ thay hình đổi dạng để sống tiếp
Bình luận (0)