Kết quả, chúng tìm đến bạn bè để chia sẻ nhưng không phải lúc nào bạn bè cũng là các nhà tư vấn đáng tin cậy.
“Lần đầu tiên (mộng tinh) em thấy sợ. Tự dưng thấy thế thì không biết mà cũng không dám hỏi cha mẹ. Đi hỏi bọn lớn thì nó bảo “thế là mày ấy nhau được rồi đấy”. (Tuấn, nam, 32 tuổi, doanh nghiệp, Hà Nội).
“Về các vấn đề về quan hệ giới tính, bạn nam, bạn nữ, nếu có những suy nghĩ chuyện đó, cháu nói với bạn cháu. Khi tivi, đài, báo đề cập đến chuyện liên quan đến các vấn đề đó thì bố mẹ cháu hay nói cần cảnh giác, không được làm giống như người ta, mày không được làm như thế” (Thu, nữ, 16 tuổi, học sinh, Hà Nội).
Giáo dục tình dục cho vị thành niên trong gia đình, nếu có, chỉ để các cô gái biết cách đề phòng đàn ông mà không phải để nam nữ thanh thiếu niên hiểu biết về mình và về nhau cho một quan hệ tình dục tốt đẹp trong tương lai.
Do vậy, giáo dục tình dục trong gia đình, nếu có, không phải để cung cấp thông tin và kỹ năng mà là để phủ nhận và cấm đoán nó.
Thực tế, các cậu trai thường không phải là đối tượng của giáo dục tình dục trong gia đình, lại càng không phải chịu sự giáo huấn hoặc cảnh báo.
Điều đó cũng dễ hiểu. Đàn ông trong xã hội Việt Nam bao giờ cũng được khoan dung hơn phụ nữ. Họ thường không phải gánh chịu hậu quả của những hành vi tình dục không được chấp nhận.
“Vấn đề đó ba mẹ không dạy. Ba mẹ em nghĩ là con trai, nên không nói gì về vấn đề đó” (Thái, nam, 25 tuổi làm ruộng, Cần Thơ).
“Không, cái chuyện đấy trong gia đình rất là giữ kẽ. Ít gia đình nói chuyện ấy. Lúc tôi bỏ học thì cũng tương đối lớn rồi. Gia đình chỉ nói con không được đánh nhau, trộm cắp thôi. Còn chuyện kia chắc các cụ cho là thằng đàn ông chả mất gì cả. Chỉ thấy nhà bên cạnh có đứa con gái và bảo con gái khôn hồn hãy giữ lấy thân” (Thành, 39 tuổi, nam, xe ôm, Hà Nội).
Nghiên cứu SAVY (Điều tra Quốc gia về Vị Thành viên&Thanh niên Việt Nam) cũng phát hiện ra rằng nam vị thành niên có xu hướng trao đổi về các vấn đề liên quan đến giới tính và tình dục với các bạn hơn là với gia đình. Chỉ 14,9 phần trăm nam vị thành niên (so với 80,6 phần trăm nữ vị thành niên) cho biết từng nói với gia đình khi gặp dấu hiệu dậy thì (mộng tinh) lần đầu tiên.
Ba lọ mọ ra nhà sách
Cũng có phụ huynh cố gắng giải đáp thắc mắc của con cái nhưng thông thường chỉ trả lời chung chung, nửa vời, khiến trẻ không cảm thấy thỏa mãn. Nguyên nhân có thể nằm trong sự ngần ngại của cha mẹ nhưng cũng có thể vì hạn chế trong kiến thức và kỹ năng của bản thân họ.
“Ví dụ như em hỏi bố vì sao lớn lên cứ phải mặc quần lót ấy. Bố bảo cũng không biết vì sao nữa. Bố chỉ thấy họ nói như thế là tốt cho những bộ phận sinh dục. Nói chung bố chỉ nói qua loa thôi. Bố không nhạy cảm lắm trong vấn đề này.
Năm lớp 7, lớp 8, em có hỏi bố một lần về quan hệ tình dục thì bố bảo em còn quá bé để biết. Đến năm ngoái, khi xem chương trình giáo dục giới tính ở trên tivi về nạo phá thai nhiều, em quay sang hỏi bố quan hệ là thế nào mà nhiều người lại bị như thế. Bố bảo chuyện đấy nhiều lúc rất hại và tuổi các con bây giờ không nên biết nhiều. Thế là xong. Em bỏ ra ngoài”, (Việt, nam, 16 tuổi, học sinh, Hà Nội).
“Ba mình thì hơi lúng túng về chuyện con trai mới lớn, không biết nói chuyện với nó như thế nào. Ba lọ mọ đi ra nhà sách, kiếm mấy quyển sách nói về giới tính đọc trước, sau đó tặng cho nó. Ba khó nói chuyện đó hơn”, Thủy (nữ), 21 tuổi, sinh viên, TPHCM.
Tóm lại, giáo dục tình dục trong gia đình, cho đến hôm nay vẫn có thể gói gọn trong ba không, không biết, không nên và không được.
Một số phụ huynh không thể trở thành nguồn thông tin và hỗ trợ cho lớp trẻ vì bản thân họ không biết, không có kiến thức, không có kỹ năng để trao đổi với con cái về các chủ đề liên quan đến tình dục.
Những người khác có thể hiểu biết hơn nhưng chủ trương rằng, khi trưởng thành, con cái họ sẽ tự biết những điều đó nên cũng không chủ động để trở thành nguồn hỗ trợ cho chúng.
Nhóm thứ ba, có thể vì tất cả các lý do trên và cả vì quan điểm căm ghét tình dục nên cấm đoán một cách tuyệt đối mọi cố gắng của con cái nhằm tiếp cận thông tin hoặc thể hiện sự quan tâm của chúng đến tình yêu, tình dục.
Cha mẹ chú ý đến con gái hơn cũng chỉ vì xã hội coi tình dục của phụ nữ là nguy hiểm và cần phải kiểm soát chặt chẽ. Cách nhìn nhận đó, coi đàn ông là mối đe dọa đối với phụ nữ, là vì tình dục của họ không thể kiềm chế và thường dễ dàng được dung thứ. (TS Khuất Thu Hồng - Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội)
Theo Tiền Phong
Kỳ I: Giáo dục trong gia đình: Ba không
Bình luận (0)