Xâm nhập “tập đoàn” trại gấu ở Hạ Long - Kỳ 2: ”Ăn dày” trên thân xác gấu

10/09/2009 10:35 GMT+7

Trong các cuộc giao dịch mua bán mật gấu tại các trại gấu ở Hạ Long, chúng tôi ghi nhận những gương mặt không thể thiếu: nhân viên môi giới người Hàn Quốc. Thoạt nghe họ nói chuyện, chúng tôi ngỡ đó là người VN bởi họ nói tiếng Việt khá sõi.

Là nhân viên môi giới nhưng mọi thứ đều phải thông qua họ vì có một quy luật gần như bất di bất dịch trong việc mua bán mật ở các trại gấu tại TP Hạ Long: khách hàng không thanh toán trực tiếp cho chủ trại gấu theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Đây là những người có vai trò “đầu nậu” tổ chức, điều hành đường dây buôn bán mật và thâu tóm khoản lợi nhuận rất lớn từ những chú gấu.

Lãi gấp mười chủ trại gấu

Tháng 1-2009, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV- thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN) đã tiến hành phỏng vấn một số khách du lịch Hàn Quốc tham quan vịnh Hạ Long. Các vị khách này thừa nhận đã mua mật từ các trại gấu trung bình 20-300 USD/khách.

Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi ghi nhận được có không ít du khách đã chi 500-1.300 USD/người để mua mật gấu. Hầu hết du khách mua mật tại các trại gấu chọn loại đóng gói bằng giấy bạc vì dễ để lẫn trong hành lý. Có trại cẩn thận ngụy trang những gói mật bằng cách dán nhãn... trà gừng (!).

Quan sát và tìm hiểu công việc của những nhân viên môi giới này, chúng tôi càng rõ hơn vai trò của họ. Trong đó, công việc quan trọng nhất là đảm nhiệm việc tiếp thị, săn tìm nguồn khách hàng từ khách du lịch các nước châu Á, chủ yếu là Hàn Quốc, thông qua các công ty du lịch lữ hành có trụ sở hoặc văn phòng giao dịch tại Hà Nội, Quảng Ninh.

Cầm các danh thiếp giao dịch với khách, hầu như không danh thiếp nào ghi địa chỉ liên lạc cụ thể. Trên đó chỉ có tên, số điện thoại di động, số điện thoại bàn, số fax trại gấu (vài tấm có thêm địa chỉ email). Cũng có người sử dụng hai danh thiếp với cùng số điện thoại, số fax và địa chỉ email nhưng với hai tên khác nhau (!).

Gần hai tuần quan sát, lọt vào các trại gấu chúng tôi nhận thấy khách du lịch hầu hết ghé các trại gấu sau khi đã tham quan vịnh Hạ Long. Cụ thể hơn, khách được các công ty vận chuyển du lịch đưa từ Hà Nội xuống Hạ Long, trên đường về sẽ được bố trí ghé thăm một trong các trại nuôi gấu ở phường Hà Khẩu và xã Đại Yên, cách Bãi Cháy 5-10km.

Ở các trại gấu nơi đây chúng tôi thấy nhân viên môi giới thường không tháp tùng đoàn tham quan. Họ có mặt sẵn ở Hạ Long để đón và thường đi ôtô con biển số ngoại tỉnh. Người lưu trú tại Hạ Long bắt xe ôm tới. Họ đến các trại gấu 10-15 phút trước khi đoàn khách ghé qua. Toàn bộ việc tiếp khách, thuyết minh, chào mời mua mật gấu tại các trại do những người môi giới kiêm “đầu nậu” này đảm trách và đạo diễn. Quản lý và nhân viên trại gấu lặng lẽ đi bên cạnh, làm theo những gì người môi giới yêu cầu. Chỉ duy nhất một công việc mà đầu nậu không được đụng vào: công đoạn tiêm thuốc mê, hút mật, sang chiết, đóng gói.

Một thỏa thuận ngầm: chủ các trại gấu chỉ việc hút mật gấu, sang chiết và giao cho khách rồi căn cứ trên số lượng bán cho mỗi đoàn để thu tiền từ những “đầu nậu” với giá bao tiêu 20.000-30.000 đồng/cc (chưa đến 2 USD/cc). Còn chuyện khách phải trả bao nhiêu tiền cho “đầu nậu”, chủ gấu không (hoặc không được) can thiệp. Theo ghi nhận của chúng tôi, người môi giới cứ “nhìn mặt đoán túi tiền” của từng đoàn khách để định giá bán. Mức giá phổ biến hiện dao động khoảng 20-30 USD/cc. Khách mua số lượng ít thanh toán bằng tiền mặt, còn lại hầu hết thanh toán bằng thẻ Visa.

Với các trại gấu quy mô 50 con trở lên, tần suất hút mật của các chú gấu trung bình một tháng/lần (mỗi lần 120-150cc). Cao điểm, lượng khách đổ đến đông, có con gấu phải “thọ án” - hút mật hai lần/tháng. Khai thác đến cạn kiệt “tài nguyên gấu” có trong tay có lẽ vẫn không đủ lượng mật cung ứng, các trại còn thường xuyên nhập mật gấu từ các nơi khác đưa về trữ lạnh để bán cho khách.

Thỉnh thoảng có trường hợp gấu đã tiêm thuốc gây mê sẵn nhưng du khách không nhẫn tâm chứng kiến cảnh hút mật nên không mua hoặc chỉ mua hạn chế mật trữ lạnh. Lúc ấy, “đầu nậu” phải trả cho chủ gấu chi phí 200.000 đồng/lần.

Theo thực tế ghi nhận, nắm bắt của chúng tôi, mỗi trại gấu thu tiền bán mật hằng tháng trung bình không dưới 200 triệu đồng, cao điểm có tháng hơn nửa tỉ đồng. Tuy nhiên có lẽ thu nhập này không là gì so với số tiền bỏ túi của các tay đầu nậu.

Không vốn, chỉ tốn công săn tìm, tiếp thị, chào mời, những tay “đầu nậu” thường bỏ túi gấp nhiều lần, thậm chí mười lần con số đó. Các chủ nuôi gấu thừa biết giá bán mật 20.000-30.000 đồng/cc thấp hơn nhiều số tiền du khách phải trả, nhưng có lẽ với họ giá ấy đủ lãi đậm.

Ống tiêm, lọ thủy tinh để chiết mật sau khi hút -  Ảnh: M.Hà

Máy siêu âm và máy hút mật - Ảnh: M.Hà

“Chẳng ai nuôi gấu phục vụ tham quan cả”

Số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết: hiện trên địa bàn TP Hạ Long có 15 cơ sở nuôi gấu của 22 chủ nuôi với tổng số 320 con. Trong đó chỉ riêng bảy cơ sở nuôi gấu quy mô lớn tập trung đến 306 con, gồm 79/80 con gấu không gắn chip điện tử bị phát hiện trước đây (một con đã bị tịch thu đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các trại nuôi nhốt gấu có tổ chức cho khách nước ngoài tham quan này, ít nhất 2-3 con gấu bị hút mật mỗi ngày. Thậm chí có trại chỉ trong một ngày của tháng 8 vừa qua đã có đến bảy con gấu bị hút mật với lượng mật xuất bán cho du khách lên tới gần 700cc. Với những tài liệu chúng tôi có được, những tháng cao điểm sau Tết Nguyên đán khách du lịch Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đổ về đông, mỗi ngày một trại gấu tiêu thụ không dưới 1.000cc mật tươi.

Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ khẳng định gấu là loài thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, thế nhưng suốt nhiều năm qua tại các trại gấu này thường xuyên, liên tục diễn ra hoạt động hút và kinh doanh mật gấu.

Cuối tháng 5-2009, khi tiếp đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân, ông Nguyễn Thanh Nhượng, chủ trại gấu Đất Việt, cho biết: chi phí thức ăn và chăm sóc hằng tháng cho mỗi con gấu khoảng 800.000 đồng, chưa kể vốn mua mỗi con 30-40 triệu đồng. “Nếu nuôi gấu để bảo tồn và không có lãi, lấy gì bù đắp chi phí?” - ông Xuân hỏi. Ông Nhượng gãi đầu và ấp úng: “Bác hỏi thế khó trả lời lắm!”. Khi được hỏi có dám khẳng định trại gấu không tổ chức hút mật bán cho du khách, ông Nhượng thừa nhận: “Giờ khẳng định không hút mật thì cũng khó. Anh hỏi tôi câu hỏi bình thường thôi chứ hỏi khó thế này tôi trả lời không được” (!).

Trước đó, vào tháng 6-2009, khi đóng vai khách du lịch xâm nhập các trại gấu ghi nhận hoạt động hút mật gấu phục vụ khách du lịch, phóng viên Tuổi Trẻ đã phản ảnh với ông Tăng Xuân Phương, phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh - đơn vị trực tiếp cấp phép, quản lý việc nuôi nhốt gấu trên địa bàn. Ông Phương cho biết: nếu chỉ nuôi gấu để phục vụ khách tham quan thì chẳng ai nuôi làm gì, nhưng ông cũng thừa nhận: từ trước đến nay lực lượng kiểm lâm tỉnh chưa “bắt tận tay, day tận mắt” một vụ hút chích mật gấu nào.

Gắn chip hay không, gấu... vẫn là gấu!

Mật gấu được đóng gói bằng túi giấy bạc hoặc lọ thủy tinh như hộp quà tặng để du khách có thể lọt qua các “cửa” kiểm tra   - Ảnh: N.Triều

Một túi mật gấu bằng giấy bạc và ngụy trang bằng nhãn trà gừng - Ảnh: N.Triều

Theo quy định về quản lý gấu nuôi nhốt do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, trước tháng 3-2005 tất cả các hộ nuôi nhốt gấu phải lập hồ sơ đăng ký để cơ quan chức năng gắn thiết bị điện tử (chip) quản lý theo quy định. Việc lập hồ sơ quản lý và gắn chip gấu nuôi nhốt không có nghĩa công nhận sự hợp pháp của chủ hộ nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp, mà chỉ nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi.

Từ ngày 1-3-2005 trở đi tất cả chủ hộ nuôi gấu không đăng ký, nuôi mới trái phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2007, Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) kiểm tra các trại nuôi gấu ở Quảng Ninh, phát hiện 80/281 con gấu không gắn chip. Những con gấu này sau đó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho các trại gấu tiếp tục nuôi nhốt theo kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo một số chủ trại gấu, sau khi được hợp thức hóa đến nay, những con gấu “vô thừa nhận” này vẫn sống khỏe. Gấu gắn chip hay không cũng đều... là gấu, tức đều có thể hút mật.

Theo Nguyễn Triều / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Phận gấu sau cánh cổng bí ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.