Xây "mả kiếng" cho... cá voi

04/03/2010 23:35 GMT+7

Từ sáng sớm ngày 4.3, hàng ngàn người dân ở khắp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... lũ lượt kéo về cửa biển Cái Cùng (xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, Bạc Liêu) để chứng kiến lễ mai táng cá ông (cá voi).

Cá voi dài 16m, nặng khoảng 15 tấn mà ngư dân xứ này đã trục vớt được trên biển vào ngày 21.2.

"Mả" cá voi lộ thiên đầu tiên

Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, do cá voi là động vật quý hiếm và rất linh thiêng đối với ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản nên tỉnh quyết định bảo vệ cá và bộ xương phục vụ cho tham quan du lịch sau này. UBND tỉnh giao cho Sở Y tế và Sở Tài nguyên - Môi trường chọn vị trí chôn cá ông lộ thiên trong lồng kính. Và theo kế hoạch, sáng 4.3, hàng chục ngư dân tự nguyện cùng hai chiếc xe cẩu loại lớn và một xáng cuốc bắt đầu cẩu xác cá nặng 15 tấn lên chôn. Ngành chức năng đã tiến hành phun thuốc sát trùng, ướp hóa chất bảo quản, đồng thời cho mổ bụng cá voi lấy bộ đồ lòng đem chôn, còn xác cá voi được xây mộ chôn và lắp lồng kính lộ thiên trên mặt đất.

Theo thiết kế, mộ cá voi có chiều dài 17,2m, ngang 7,2m, nền mộ cao 1m, kính dày 10 ly. Ngoài ra, còn xây cất ngôi miếu trong khu mộ. Kinh phí cho việc chôn xác cá trong lồng kính ước tính ban đầu khoảng 300 triệu đồng; cho đến nay người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 100 triệu.

Ăn theo... cá voi

Trung tá Nguyễn Văn Đẳng, Trưởng đồn Biên phòng 666 (đóng trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết, kể từ khi xác cá voi được kéo vào đất liền, hàng chục hộ dân ở xóm nghèo ven biển lâu nay không có việc làm và thu nhập ổn định này bắt đầu ăn nên, làm ra... Do mỗi ngày có hàng ngàn lượt người ở khắp nơi trong cả nước đến xem cá, nên dọc hai bên đường ra tận cửa biển bắt đầu mọc lên nhiều quán ăn, quán giải khát.

Theo ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, do khu chôn cá voi nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái ven biển của huyện nên nhân cơ hội này, huyện sẽ sớm đầu tư mở rộng đường giao thông, kết hợp phát triển các điểm du lịch vui chơi, giải trí để thu hút du khách đến đây vừa tham quan "mả cá voi" vừa hít thở không khí trong lành của miền quê biển...

Phun tẩm phormol để bảo quản cá voi

Ông Khưu Lễ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, để bảo quản xác cá voi trong lồng kính, chống mùi hôi... chủ yếu sử dụng chất phormol để phun tẩm bề ngoài (không phải ướp). Lượng phormol dùng để phun tẩm cá cũng hạn chế, tỷ lệ khoảng 10%, tức là khoảng 100 ml phormol pha cho một lít nước. Theo ông Lễ, chất phormol thường dùng để ướp xác người và một số loài động, thực vật quý, hiếm chủ yếu để bảo quản lâu năm và phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, do cá voi quá lớn, chất phormol chỉ đủ để phun tẩm xác cá, nên cá voi chôn trong lồng kính chỉ bảo quản được vài năm và chống được mùi hôi.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.