Giải nhiệt với dừa sáp

07/05/2010 10:24 GMT+7

(TNTT>) Trái dừa sáp cho cơm dày mà mềm dẻo, béo và thơm hơn dừa thường. Nước dừa hơi sệt, trong veo tựa sương sa, thanh mát phải biết!

Được biết, dừa sáp có mặt tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh khoảng năm 1950. Khi đó, những người địa phương và nhất là người làm nghề sấy cơm dừa “coi dừa sáp rẻ rúng như ... đồ ăn hại”. Bởi, người ta chẳng thể đem phơi hoặc sấy khô cơm dừa sáp như các loại dừa bình thường khác. Phải mất mấy chục năm dài, dừa sáp mới bỏ lớp áo cơ hàn, khoác lên mình bộ cánh mới lộng lẫy, trở thành đặc sản quý hiếm, và được coi là món giải khát bổ dưỡng có một không hai của Cầu Kè. Tại đây, giá một trái dừa sáp từ 110.000 -120.000 đồng, cao hơn 50 lần giá thành dừa thường, nhưng vẫn không đủ hàng bán.

Di thực từ xứ Chùa Tháp

Dừa sáp có nhiều ở Philippines, nhưng “gốc gác” dừa sáp Cầu Kè không phải từ đó. Theo ông Thạch Chịa, ở thị trấn Cầu Kè, có 5 công đất trồng dừa sáp, nói rằng giống dừa quý hiếm này được di thực từ Campuchia. Trước đây, nhân chuyến đi Battambang, Campuchia, sư cả chùa Botum Sacao (còn gọi là chùa Chợ) đã được thưởng thức thứ nước giải khát lạ lùng, ngon lạ thường này. Thế nên sư mua một cặp cây giống đem về trồng.

Từ đó dừa sáp được nhân rộng quanh khu vực thị trấn Cầu Kè, như: Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Phong Thạnh, nhiều nhất là ở Chông Nô, xã Hòa Tân. Còn bà lão Kim Thị Hội, con một sư cả khác đã viên tịch, ở chùa Pothiseray tại ấp Chông Nô 3 cũng cho biết, nhân chuyến đi Campuchia, cha bà đã mang mấy cây dừa sáp giống về rồi nhân ra.

Vậy có thể nói dừa sáp Cầu Kè có “gốc gác” từ Campuchia và đã có mặt tại xứ này từ một thế kỷ nay. Theo TS Võ Văn Long, Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, hiện nay diện tích dừa sáp ở Trà Vinh đạt gần 100ha.

Nhận biết và thưởng thức

Để nhận biết dừa sáp, dân Cầu Kè thường sẽ dùng sống dao gõ vào trái dừa đã lột vỏ. Nghe kêu “cọc cọc” là đúng dừa sáp. Ngược lại, nghe kêu “tưng tưng” là dừa thường. Hoặc họ để dừa nguyên vỏ rồi lắc, nếu không nghe tiếng nước kêu “ọc ạch” thì đó là dừa sáp.

Bởi dừa sáp có cơm dày trắng phau chiếm gần hết phần ruột, phần còn lại trong ruột dừa là một khối nước đặc kẹo, trong veo như sương sa nên người địa phương gọi dừa sáp là dừa đặc ruột hay dừa kem.

 Dừa sáp thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo. Dừa sáp được trồng khoảng 4 năm sẽ có “lưỡi mèo” chuẩn bị ra hoa (trổ buồng), sống càng lâu, dừa càng sai trái. Đặc biệt, không giống dừa thường, một buồng dừa sáp cho chỉ khoảng 1/4 số trái là dừa sáp, thậm chí có khi cả một buồng chẳng có trái sáp nào! TS Long giải thích hiện tượng này: “Đó là quá trình đột biến di truyền tạo nên gien lặn”. Nhằm cải thiện tỉ lệ dừa sáp trong buồng dừa, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy phôi và trồng tập trung, ở Trà Vinh.

Chị Châu Thị Mai, chủ một điểm bán dừa sáp uy tín ở thị trấn Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh hướng dẫn cách thưởng thức dừa sáp “sành điệu”: bổ đôi trái dừa, cho nước dừa vô máy xay sinh tố, rồi nạo cơm dừa cho vô cùng với ít đường, sữa, nước đá bào. Muốn giàu hương vị hơn, bạn có thể thêm ít cà phê, ca cao... vào hỗn hợp trên trước khi vận hành máy xay, sẽ có ngay ly kem dừa sáp hấp dẫn.

Cũng có nhiều thực khách, chỉ cần bổ đôi trái dừa sáp, dùng miếng vỏ cứng của dừa làm muỗng xúc cơm dừa nhai mê mẩn. Cơm dừa vừa dẻo, ngọt vừa, béo ngậy, nồng thơm tinh dầu quyến rũ...

Tại TP.HCM, quán cà phê Dừa & Đá trên đường Cộng Hòa cũng có bán các món dừa sáp tươi, cà phê kem dừa... chất lượng không thua kém so với Cầu Kè. Ở đây có cả một không gian dừa từ bàn ghế, cốc, muỗng đến nhà dừa thật thoáng đãng, lãng mạn để thực khách thư giãn hoặc trải nghiệm.

Tuy nhiên, quán này nằm lọt thỏm trong khu quân đội thuộc P.4, Q.Tân Bình, khá khó tìm. Điểm mốc nhận dạng là đầu hẻm giữa Nhà hát quân đội và showroom Honda, bạn cứ đi thẳng vào khoảng 150m là gặp.

Tấn Tới-Thất Lang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.