Hãng Reuters ngày 4.7 đưa tin Ả Rập Xê Út và Nga, những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, tiếp tục cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tăng thêm, bất chấp lo ngại về tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng thêm mức lãi suất.
Nhóm OPEC+, gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, trước đó đã cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu từ tháng 11.2022, do nhu cầu thấp ở Trung Quốc và nguồn cung tăng từ Mỹ.
Tuy nhiên, nỗ lực trên đến nay chưa thành công, khi giá dầu vẫn ở mức 70-80 USD/thùng.
Ả Rập Xê Út cho biết sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu một triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, cho đến hết tháng 8, đồng thời cho biết việc cắt giảm có thể được kéo dài sau đó.
Ngay sau thông báo của Ả Rập Xê Út, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Việc cắt giảm của 2 nước trên tương đương 1,5% nguồn cung toàn cầu và nâng tổng số cam kết cắt giảm của OPEC+ lên 5,16 triệu thùng/ngày.
Cuối ngày 3.7, Algeria cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm 20.000 thùng trong tháng 8 để hỗ trợ nỗ lực của Ả Rập Xê Út và Nga, nhằm cân bằng và ổn định thị trường dầu mỏ, bộ năng lượng của nước này cho biết.
OPEC+ sản xuất khoảng 40% sản lượng dầu thô của thế giới và đã cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu. Trong số đó có 2 triệu thùng/ngày đã đồng ý vào năm ngoái và cắt giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày đã đồng ý vào tháng 4.2023 và gia hạn đến tháng 12.2024.
Sau thông báo mới nhất của các bên, giá dầu thô Brent hợp đồng tương lai ngày 3.7 tăng 0,6% lên mức 75,84 USD/thùng, còn giá dầu thô WTI tăng 0,6% lên mức 71,03 USD/thùng. Tuy nhiên, theo AFP, mức tăng "bốc hơi" và Brent cùng WTI giảm ít nhất 1% vào cuối ngày.
Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê Út, đã cam kết giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày xuống mức 9,5 triệu thùng/ngày từ tháng 3 cho đến cuối năm, trong nỗ lực nâng giá dầu.
Bình luận (0)