Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) hôm 20.3 cho biết họ đã buộc hai anh em Ilya Zaslavsky (29 tuổi) và Alexander Zaslavsky (33 tuổi) tội thu thập thông tin mật về công nghiệp của nước này để cung cấp cho một số công ty dầu khí nước ngoài. Hai anh em nhà Zaslavsky đều có hai quốc tịch Nga và Mỹ. Báo The Moscow Times dẫn nguồn tin từ FSB cho hay Ilya là nhân viên của TNK-BP, một công ty liên doanh Nga -Anh về dầu khí. Còn Alexander là Chủ tịch Câu lạc bộ Sinh viên Nga học tại Anh do Hội đồng Anh thành lập. Cũng theo FSB, hai anh em Zaslavsky bị bắt hôm 12.3 khi đang tìm cách thu thập thông tin mật từ một công dân Nga làm việc trong một công ty dầu khí hàng đầu của nước này. Cả hai đã được thả trong ngày 12.3 với điều kiện không được rời nơi cư trú.
Thông tin trên được FSB công bố một ngày sau khi lực lượng cảnh sát Nga lục soát các trụ sở của TNK-BP và công ty mẹ British Petroleum (BP) tại Moscow. FSB nhấn mạnh rằng vụ lục soát này liên quan đến trường hợp của người em Ilya, theo Hãng tin AP. Giới chức an ninh Nga cho biết đã tìm thấy nhiều giấy tờ quan trọng liên quan đến các đại diện cơ quan quốc phòng nước ngoài và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Vụ việc kể trên có khả năng sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng trong mối quan hệ giữa Anh và Nga. Quan hệ giữa hai nước xấu đi sau một loạt sự kiện diễn ra gần đây, đặc biệt sau vụ cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko chết tại London năm 2006, rồi việc hai nước trục xuất một số nhà ngoại giao của nhau. Ngoài ra, Moscow và London cũng thường bất đồng về nhiều vấn đề quốc tế, gần đây nhất là việc Anh công nhận độc lập của Kosovo trong khi Nga phản đối.
Trở lại vụ bắt hai anh em nhà Zaslavsky, nhiều người nghi ngờ việc này mang động cơ chính trị, theo Hãng tin BBC. Hãng tin Anh này cho rằng có lẽ là do một số quan chức trong Chính phủ Nga muốn tạo áp lực đối với Tập đoàn TNK-BP. Có thể, Điện Kremlin muốn giành lại quyền kiểm soát tất cả tài sản năng lượng chiến lược của Nga. Vài năm gần đây, Nga đã giành lại quyền kiểm soát nhiều mỏ dầu và khí đốt đã được bán cho giới đầu tư nước ngoài vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Có ý kiến cho rằng Điện Kremlin muốn BP "nhượng" lại mỏ khí đốt khổng lồ Kovytka ở Đông Siberia cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom. BP đã đồng ý song hai bên chưa đạt thỏa thuận về giá cả, theo AP.
Châu Yên
Bình luận (0)