Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất - Ảnh:AFP |
Trang tin Russia Beyond the Headlines dẫn lại thông tin từ tờ Vedomosti nói rõ rằng vào đầu mùa thu năm nay, Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ký hợp đồng cung cấp ít nhất 6 hệ thống S-400, với tổng trị giá hơn 3 tỉ USD.
Vedomosti khẳng định các cuộc đàm phán về thương vụ S-400 giữa hai bên đã có tiến triển trong nhiều năm gần đây, dù Bộ Quốc phòng Nga hồi năm 2011 từng tuyên bố việc xuất khẩu S-400 được tiến hành không sớm hơn năm 2016 vì hệ thống tên lửa phòng không này phải được trang bị cho quân đội Nga trước tiên.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Rosoboronexport và nhà sản xuất S-400 đều từ chối bình luận về thông tin trên, theo Hoàn Cầu thời báo.
Vào tháng 4, chuyên san The Diplomat dẫn lại thông tin từ kênh RBK TV của Nga cho hay Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn việc bán từ 2-4 hệ thống S-400 cho Trung Quốc. Đến tháng 7, Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov nhận định rằng Trung Quốc có thể trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400, theo Russia Beyond the Headlines.
S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không, có thể phá hủy các mục tiêu trên không như chiến đấu cơ, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo ở khoảng cách có thể lên đến 400 km và độ cao tối đa 30 km. S-400 còn được gắn bộ thu phát tín hiệu radar giúp tăng khả năng dò tìm và có thể theo dõi 36 mục tiêu cùng lúc.
Biên tập viên The Diplomat Zachary Keck từng nhận định rằng Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc Trung Quốc triển khai S-400.
Hiện nay, các hệ thống tên lửa phòng không di động HQ-9 và S-300 của Trung Quốc đại lục chỉ có thể bao phủ khu vực tây bắc Đài Loan, theo tuần báo Defense News. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh sở hữu được S-400 và chiến đấu cơ Su-35, toàn bộ không phận Đài Loan sẽ “nằm trong lòng bàn tay” của đại lục.
“Khi S-400 phối hợp với các chiến đấu cơ, phía Trung Quốc sẽ thêm tự tin trong việc duy trì khả năng kiểm soát không phận Đài Loan, ngăn chặn mọi nỗ lực kháng cự của không lực Đài Loan cũng như các động thái can thiệp của Mỹ”, cựu thành viên Hội đồng An ninh Đài Loan York Chen cảnh báo.
Ngoài Đài Loan, Nhật và Ấn Độ cũng có thể bị tác động từ việc Trung Quốc triển khai S-400. Biên tập viên Keck chỉ ra S-400 có tầm hoạt động được cho là bao phủ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Keck cho rằng Nhật có thể dựa vào chiến đấu cơ F-35 để làm suy giảm tác động từ S-400 của Trung Quốc vì máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này có thể hoạt động trong môi trường có hệ thống phòng không tiên tiến mà không bị phát hiện.
Còn đối với Ấn Độ, ông Keck cho rằng do S-400 có thể phòng thủ đối với các tên lửa đạn đạo, nên việc Trung Quốc triển khai hệ thống này có thể gây nguy hiểm cho khả năng đánh chặn chiến lược của New Delhi, vốn đang phụ thuộc nhiều vào các tên lửa phóng từ mặt đất.
Văn Khoa
>> Nga triển khai thêm 3 trung đoàn S-400
>> Trung Quốc muốn gì khi mua S-400 và Su-35?
>> Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa S-400 cho Trung Quốc
>> Nga triển khai S-400 ở khu vực giáp Trung Quốc và Triều Tiên
Bình luận (0)