Nga cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả NATO

04/08/2022 06:11 GMT+7

Nga không chủ trương dùng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Moscow có thể xem xét quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải đáp trả “sự gây hấn trực tiếp” của các nước NATO.

Đây là lời cảnh báo mà ông Alexander Trofimov, quan chức cấp cao của Cục kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đưa ra tại một hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc ngày 2.8.

Theo Reuters, ông Trofimov bác bỏ những phát ngôn cho rằng "Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là ở Ukraine”. Ông nói Nga xem đó là “những suy đoán hoàn toàn vô căn cứ, xa rời thực tế và không thể chấp nhận được".

Vài ngày sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt các lực lượng răn đe của Nga, bao gồm vũ khí hạt nhân, trong tình trạng báo động cao.

Ông Trofimov tuyên bố Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga.

Phát biểu tại hội nghị nói trên, ông Trofimov nói: “Không có kịch bản nào trong hai kịch bản giả định này phù hợp với tình hình ở Ukraine”.

Tuy nhiên, ông Trofimov cáo buộc các nước NATO về một “cuộc đối đầu hỗn hợp khốc liệt” chống lại Nga. Ông nói: “Một động thái như thế có thể kích hoạt một trong hai kịch bản khẩn cấp được mô tả trong học thuyết hạt nhân của chúng tôi".

Nhà ngoại giao cũng tuyên bố: "Nếu các nước phương Tây ra sức thử thách quyết tâm của chúng tôi, Nga sẽ không lùi bước”.

Ở một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 3.8 nói rằng Mỹ đã không tiếp cận để nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START).

Phát ngôn trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1.8 tuyên bố chính quyền của ông “đã sẵn sàng nhanh chóng đàm phán về một khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới để thay thế New START khi hiệp ước hết hạn vào năm 2026”.

Ông Lavrov nói: "Phía Mỹ có thói quen lên cầm micro đọc tuyên bố, xong rồi quên mất. Họ không tiếp cận chúng tôi để khởi động lại quá trình đàm phán".

Moscow liên tục kêu gọi Mỹ gia hạn New START thêm 5 năm một cách vô điều kiện, nhưng Washington đã đưa ra nhiều đề xuất khác nhau về việc sửa đổi, cụ thể là kêu gọi Trung Quốc tham gia.

Hiệp ước New START, được ký vào năm 2011, buộc Mỹ và Nga hạn chế triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này cũng đặt giới hạn về đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đã được triển khai và máy bay ném bom. Cả hai bên đã đạt được các giới hạn trọng tâm của New START vào ngày 5.2.2018 và hiệp ước đã được gia hạn đến hết ngày 4.2.2026, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.