Nga chế tạo vũ khí từ tên lửa Mỹ

02/07/2018 08:15 GMT+7

Nga đang nỗ lực phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới sau khi nghiên cứu tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ “bị xịt” tại Syria.

Theo Sputnik, tiến trình phát triển công nghệ mới từ việc mổ xẻ tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ do Tập đoàn công nghệ điện tử Nga KRET thực hiện. KRET trực thuộc tập đoàn quốc phòng nhà nước ROSTEC, chuyên phát triển công nghệ vô tuyến điện tử cho quân đội và các sản phẩm dân dụng khác. Quá trình nghiên cứu bắt đầu từ khi quân đội Syria tìm thấy 2 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ chưa phát nổ và bàn giao cho Nga. Đây được cho là nằm trong số hơn 100 tên lửa do liên quân Mỹ, Anh, Pháp phóng vào Syria ngày 14.4. Mỹ khẳng định mọi hỏa tiễn đều trúng đích trong khi quân đội Nga tuyên bố lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa.
Theo đại diện KRET Vladimir Mikheev, quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ mới từ Tomahawk sẽ diễn ra trong vòng 2 - 3 năm. “Dựa trên kinh nghiệm thu được từ việc phân tích mẫu tên lửa Mỹ, chúng tôi bắt đầu chế tạo loại vũ khí khắc chế mới”, ông nói với Sputnik. Vị đại diện này nhấn mạnh khi phân tích Tomahawk, Nga có thể hiểu rõ các kênh liên lạc, nguồn thông tin, hệ thống định vị cũng như tầm bắn, qua đó phát triển được hệ thống tác chiến điện tử cũng như vũ khí khắc chế các loại tên lửa hành trình trong từng giai đoạn triển khai. Ông Sergey Rudskoy, lãnh đạo Cơ quan Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga mới đây cũng tuyên bố mổ xẻ các tên lửa “tịt ngòi” giúp Moscow đối phó hiệu quả hơn với vũ khí của Washington trong tương lai.
Bộ Quốc phòng Mỹ gọi những tuyên bố từ Nga về Tomahawk là “vô lý”, đồng thời cho rằng đây là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi “những vi phạm” của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự hậu thuẫn của Moscow. “Về vấn đề Tomahawk, chúng tôi không thấy bằng chứng nào khác, ngoài những thông tin trên truyền thông nhà nước Nga rằng tuyên bố của họ về việc thu giữ tên lửa Tomahawk”, Đài CNBC dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon nói.
Theo tạp chí Popular Mechanics, thông thường, mọi tên lửa hành trình đều được thiết kế theo hướng không để lộ quá nhiều bí mật nếu gặp trục trặc và lọt vào tay đối phương sau khi phóng. Tuy nhiên, vẫn có một số phần cứng trong tên lửa hiện đại mà những quốc gia hàng đầu về công nghệ quân sự như Nga có thể khai thác để áp dụng vào sản phẩm của mình. Trước đây, các chuyên gia Liên Xô từng chế tạo tên lửa không đối không K-13 dựa trên loại AIM-9 Sidewinder của Mỹ trong những năm 1958 - 1960. Theo Newsweek, K-13 được hoàn thiện từ việc nghiên cứu phiên bản AIM-9B do tiêm kích F-86 Sabre của Đài Loan phóng vào một chiếc MiG-17 của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958. Dù đâm thẳng vào tiêm kích MiG-17 song AIM-9B không phát nổ, phi công trở về căn cứ an toàn với quả tên lửa còn nguyên ở đuôi máy bay và Liên Xô đã thuyết phục được Trung Quốc giao lại cho mình.
Tuy nhiên, giá trị thật sự từ các tên lửa thu được hiện nay không phải để chế tạo vũ khí tương tự, mà là nhằm nghiên cứu điểm yếu để từ đó có cách khắc chế. Sputnik dẫn lời ông Viktor Murakhovsky, thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp quân sự Nga, khẳng định: “Các chuyên gia Nga không sao chép các mẫu vũ khí của phương Tây vì chúng tôi có chiến lược phát triển riêng nhưng sẽ rất thú vị nếu họ có cơ hội làm quen với những phát triển mới nhất của phương Tây”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.