Nga chống đỡ đòn cấm vận từ phương Tây

04/03/2022 05:31 GMT+7

Trong khi vẫn tập trung đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga cũng đang phải vất vả đối phó trên mặt trận kinh tế trước sức ép khổng lồ từ những đòn cấm vận của phương Tây.

Phương Tây đã phản ứng lại chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bằng những lệnh cấm vận gây choáng váng trên nhiều lĩnh vực.

Phương Tây tăng cường trừng phạt

AP đưa tin Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua áp đặt thêm các lệnh cấm vận nhắm vào các ngành được cho là hỗ trợ trực tiếp cho việc chiến đấu của quân đội Nga. Theo đó, việc xuất khẩu thiết bị lọc dầu sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, trong khi hàng chục công ty quốc phòng Nga chuyên sản xuất vũ khí cho quân đội bị cấm vận. Mỹ và EU còn áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị, công nghệ đối với Belarus nhằm ngăn chặn nước này hỗ trợ Nga.

Mặt khác, EU cũng vừa loại thêm 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, trong đó có ngân hàng lớn thứ hai của Nga là VTB. SWIFT là kênh lưu chuyển giao dịch tài chính lên đến hàng ngàn tỉ USD thông qua hơn 40 triệu giao dịch mỗi ngày, cho phép chuyển tiền nhanh chóng trên toàn bộ hệ thống gồm hơn 11.000 ngân hàng tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Người dân xếp hàng đợi rút tiền tại Saint Petersburg, Nga ngày 27.2

Reuters

Việc bị loại khỏi SWIFT được cho là sẽ làm tê liệt mảng xuất, nhập khẩu của Nga. Theo tờ The Guardian, hai ngân hàng Sberbank và Gazprombank chuyên thực hiện các thanh toán dầu khí vẫn chưa bị loại khỏi SWIFT nhưng đã bị hạn chế tiếp cận thị trường vốn của EU từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Cộng với đó, việc EU, Mỹ và Anh phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) khiến nước này không thể tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ, đe dọa gia tăng lạm phát và suy thoái. Các lệnh cấm vận ngân hàng chỉ là một phần trong loạt biện pháp rộng lớn hơn của phương Tây nhắm vào nền kinh tế Nga nhằm cắt nguồn quỹ cho chiến dịch quân sự của nước này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2.3 thừa nhận kinh tế Nga đang hứng chịu những “cú đấm mạnh”, nhưng tuyên bố Moscow vẫn duy trì một “biên độ an toàn” và một số kế hoạch ứng phó đang được triển khai, theo CNN.

Nga, Belarus bị áp thêm cấm vận

Nga bắt đầu “thấm”

Thị trường chứng khoán Nga đóng cửa liên tục từ ngày 28.2 và được dự báo sẽ “đỏ sàn” nếu mở cửa trở lại khi các nhà đầu tư tìm cách bán ra. Đồng rúp Nga mất giá sâu so với USD và euro trong khi cổ phiếu của các công ty Nga tại thị trường nước ngoài lao dốc.

Trong nỗ lực kiểm soát, CBR ngày 1.3 đã phải tăng lãi suất gấp đôi lên thành 20% nhằm bù lại nguy cơ ngày càng tăng từ việc đồng rúp mất giá và lạm phát. Ngân hàng cũng thông báo sẽ hỗ trợ gia tăng thanh khoản bằng cách giải ngân 733 tỉ rúp từ nguồn dự trữ ở các ngân hàng địa phương, áp đặt phí hoa hồng 30% đối với người mua ngoại tệ, theo CNN.

Bên cạnh đó, chính quyền Nga ra lệnh các công ty xuất khẩu quy đổi 80% doanh thu ngoại tệ ra đồng rúp và đưa ra một số lệnh cấm chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn nước ngoài thông báo rút khỏi Nga, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm 1.3 thông báo đang chuẩn bị sắc lệnh của tổng thống nhằm tạm thời ngăn các nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga.

Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức EU đánh giá gói trừng phạt đối với Nga đã bắt đầu có tác dụng khi sàn giao dịch chứng khoán Nga đóng cửa, đồng rúp mất giá và CBR phải tăng lãi suất.

Apple thông báo rút khỏi Nga

Trong bối cảnh này, Ngân hàng JP Morgan cảnh báo Nga có thể không đủ khả năng trả nợ trái phiếu nước ngoài, nguy cơ gây một loạt phản ứng sau đó. Hai hãng xếp hạng tín dụng Fitch và Moody’s hôm qua hạ xếp hạng với Nga xuống mức thấp vì lo ngại những lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Moscow, theo Bloomberg.

Trong khi đó, giới phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm mức dự báo GDP của Nga trong năm nay từ tăng trưởng 2% thành suy thoái 7%, nặng nề hơn tác động của đại dịch Covid-19. Năm ngoái, kinh tế Nga ước tính tăng trưởng 4,5%, trong khi năm 2020 bị suy giảm gần 3% vì đại dịch.

Ukraine được viện trợ thêm vũ khí

CNN ngày 3.3 dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ Washington lần đầu tiên trực tiếp chuyển giao hàng trăm tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine trong vòng vài ngày qua, bao gồm hơn 200 quả trong ngày 28.2.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng đồng ý cung cấp vũ khí tấn công và đạn dược cho Ukraine. Lô hàng đầu tiên gồm 1.370 vũ khí chống tăng, 700.000 súng trường, súng máy. Cùng ngày, một nguồn tin từ chính phủ Đức cho hay nước này đang cân nhắc gửi thêm 2.700 tên lửa vác vai Strela chống máy bay cho Ukraine, theo Reuters. Tên lửa được sản xuất thời Liên Xô và được sử dụng trong quân đội Đông Đức trước đây. Gần đây, Đức thông báo sẽ chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.