TNO

Nga chưa giao Su-35 cho Trung Quốc vì bị yêu cầu nhiều động cơ kèm theo

30/11/2016 18:54 GMT+7

(Tin Nóng) Việc bàn giao những chiếc tiêm kích Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc đã bị hoãn lại, lý do là phía Trung Quốc đòi mỗi chiếc phải kèm theo đến… 6 động cơ máy bay.

(Tin Nóng) Việc bàn giao những chiếc tiêm kích Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc đã bị hoãn lại, lý do là phía Trung Quốc đòi mỗi chiếc phải kèm theo đến… 6 động cơ máy bay.

Su-35 của Không quân Nga - Ảnh: airforce.ru

Trước đó, ngày 19.11, ông Alexander Fomin, giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật - quân sự liên bang Nga (FSMTC) nói với hãng tin RIA rằng việc bàn giao những chiếc Su-35 đầu tiên (dự kiến 4 chiếc) cho Trung Quốc chưa thể thực hiện được, và hai bên còn tiếp tục thương lượng lại.

Nhiều thông tin đầu tháng 11 cho hay Nga sẽ giao 4 chiếc Su-35 đầu tiên trong hợp đồng 24 chiếc cho Trung Quốc vào cuối năm 2016 này.

Nguyên nhân chưa bàn giao máy bay Su-35 theo hợp đồng nay đã được tiết lộ, theo trang tin VPK ngày 26.11.

Theo đó, việc chưa bàn giao vì xuất hiện một số vấn đề nhạy cảm, VPK dẫn nguồn từ diễn đàn quân sự MilitaryParity trích nguồn từ phía Trung Quốc.

Nga lo ngại Trung Quốc sao chép công nghệ động cơ máy bay của Su-35 nếu cung cấp nhiều động cơ theo yêu cầu - Ảnh: AFP

Một số chuyên gia Nga đã cảnh báo vấn đề vi phạm bản quyền một khi Trung Quốc sao chép công nghệ của Nga. Tạp chí quân sự tiếng Trung Kanwa (Canada) mới đây tiết lộ rằng Trung Quốc vừa đặt mua 24 chiếc Su-35 của Nga (trị giá 2 tỉ USD) vừa phát triển loại tiêm kích J-11D trên cơ sở mẫu Su-27 nhưng có tính năng tương tự Su-35. Loại J-11D này sẽ trang bị động cơ Tayhan nâng cấp có họng hút gió lớn hơn để tăng lực đẩy, có radar mảng pha chủ động…

Và Trung Quốc yêu cầu phía Nga cung cấp 6 động cơ máy bay đi kèm với mỗi chiếc Su-35, tuy nhiên phía Nga chỉ chấp nhận 4 động cơ kèm 1 máy bay như lâu nay. Điều này nghĩa là Nga sẽ giao cho Trung Quốc 24 chiếc Su-35 cùng 48 động cơ kèm theo.

Theo các nguồn tin, Trung Quốc đã sản xuất 400 động cơ Tayhan nhưng vẫn chưa sánh bằng động cơ của Nga, Mỹ; do vậy nước này phải yêu cầu Nga cung cấp nhiều động cơ máy bay của Su-35. Và không ngạc nhiên khi số động cơ thặng dư này (loại AL-41F1) sẽ được trang bị cho máy bay tàng hình J-20 mà Trung Quốc đang phát triển.

Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 4++ nhưng trang bị nhiều công nghệ của máy bay thế hệ thứ 5 (tàng hình), được đánh giá là hơn hẳn các loại F-15, Eurofighter và Rafale.

Gần đây Không quân Nga được trang bị 48 chiếc Su-35 và sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới.

Ngoài Trung Quốc là nước đầu tiên mua Su-35, loại máy bay này còn được các nước khác quan tâm như Algeria, Ai Cập, Venezuela và Việt Nam, theo RIA.

J-20 bị dư luận tại Trung Quốc chê là thiết kế nghèo nàn, chưa thật sự tàng hình

Diễn đàn MilitaryParity cũng dẫn nguồn tin trên mạng xã hội Trung Quốc cho biết một chuyên gia trong ngành hàng không Trung Quốc có bài viết nói rằng J-20 chưa phải là máy bay tàng hình, công nghệ máy bay của Trung Quốc còn đi sau Nga, Mỹ, và lệ thuộc công nghệ từ thời Liên Xô mà chẳng có đột phá nào.

Theo bài viết này, phần thiết kế nửa thân sau của J-20 được mô tả là nghèo nàn, khiến người ta đặt vấn đề phải thiết kế lại toàn bộ máy bay. Thiết kế gia trưởng của J-20 là Yang Wei muốn chuyển về làm việc ở Bắc Kinh, tuy nhiên Không quân Trung Quốc yêu cầu ông ta phải ở lại nơi nghiên cứu phát triển máy bay J-20 để tiếp tục hoàn thiện và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc khắc phục các sai sót. Nếu không, Không quân sẽ không tài trợ cho chương trình. Và vì vậy ông Yang Wei không thể về thủ đô.

Mới đây tại triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc cho 2 chiếc J-20 bay biểu diễn trong vòng 1 phút và sau đó bay thẳng về căn cứ mà không đậu tại sân bay để công chúng tham quan. Lý do đưa ra là J-20 chứa nhiều công nghệ "nhạy cảm", tuy nhiên người ta nghi ngờ J-20 chưa phải là máy bay tàng hình và còn nhiều khiếm khuyết nên Trung Quốc không muốn cho công chúng nhìn thấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.