Nga chuẩn bị cho cảnh giá dầu xuống 40 USD/thùng

26/03/2017 17:14 GMT+7

Có lẽ Ngân hàng Trung ương Nga nắm được thông tin nào đó mà thế giới không biết, hãng tin Bloomberg nhận định.

Khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh chuẩn bị họp để xem xét cắt giảm sản lượng cuối tuần này, ngân hàng trung ương của Nga đang chuẩn bị đối phó với cảnh thùng dầu có giá cận mốc 40 USD.
Dù giới phân tích được Bloomberg khảo sát dự báo giá dầu Brent chuẩn, vốn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong giá dầu Urals xuất khẩu của Nga, tăng 16% từ nay đến cuối năm, đợt hạ giá dầu 10% trong tháng này khiến nhiều người lo lắng. Nga, một đối tác và thành viên quan trọng trong các cuộc đàm phán về sản lượng dầu ở Kuwait, là yếu tố làm tăng thêm lo ngại.
“Bộ Tài chính, nội các và ngân hàng trung ương Nga đang rất thận trọng về những kỳ vọng của họ vì lý do tăng trưởng Nga hiện còn phụ thuộc nhiều vào dầu thô. Họ nên bảo thủ để rồi lạc quan nếu thị trường tích cực hơn là quá lạc quan để rồi thất vọng”, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi Piotr Matys thuộc Rabobank ở London (Anh) cho hay.
Giới hoạch định chính sách Moscow cho hay họ dự báo giá dầu Urals trung bình là 50 USD/thùng trong năm nay, song hạ xuống 40 USD/thùng cuối năm 2017 và khởi đầu giai đoạn 2018 - 2019 ở mức tương tự. Ngân hàng trung ương Nga cũng bắt đầu nới lỏng tiền tệ, cho biết sự thiếu chắc chắn trong thị trường dầu mỏ như là nhân tố cho các dự báo “bảo thủ” của họ.
Bộ Tài chính Nga cũng nhấn mạnh mức giá dầu 40 USD/thùng vào tháng 1 khi công bố nhà băng trung ương sẽ bắt đầu mua ngoại tệ khi giá dầu ở ngưỡng đó, với mục địch bảo vệ tỷ giá hối đoái khỏi sự biến động của giá dầu. Ngoài ra, thùng dầu giá 40 USD còn được Nga dùng để tính toán ngân sách giai đoạn 2017 - 2019.
Dự báo giá dầu không phải là việc đơn giản với Ngân hàng Trung ương Nga. Chuyện giá cả sụt 65% năm 2014, 2015 đã khiến nội tệ Nga lao đao. Nước này bị buộc phải tăng lãi suất khẩn vào giữa đêm và nền kinh tế thì rơi vào suy thoái. Tỷ lệ doanh thu từ dầu mỏ, khí đốt đạt 36% nguồn thu ngân sách Nga năm 2016.
Ngay cả khi OPEC và nhiều nước khác đồng thuận về việc hạ sản lượng, giúp giá dầu lên 55 USD/thùng, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn tỏ ra thận trọng. Sự tương quan trong giá trị đồng rúp Nga và giá dầu hạ trong năm nay, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8.2015. Khi giá dầu trượt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng trong tuần này, tiền tệ Nga giảm ít hơn 1%.
Giá dầu có thể tăng vì nhiều giàn khoan ở Mỹ chưa hoàn chỉnh
 Theo hãng thông tấn Sputnik, các tin tức gần đây về sự gia tăng khai thác dầu của Mỹ để bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tạo ra một hiệu ứng hạn chế, phần nào làm giảm giá dầu trên thế giới. Nhưng trên thực tế nhiều thiết bị khai thác dầu mỏ của Mỹ chưa được lắp ráp hoàn chỉnh đang tạo điều kiện để giá dầu tăng trở lại.
Bên cạnh đó, việc giảm cung dầu của Ả Rập Xê Út sang Mỹ sẽ hỗ trợ giá cho dầu Brent ở mức chuẩn là 50 USD/thùng hoặc cao hơn trong thời gian tới. Trong khoảng từ giữa tháng 2 đến nay, lượng dầu nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út về Mỹ tuy có giảm 300.000 thùng/ngày, nhưng lượng tiêu thụ dầu của Mỹ vẫn vào khoảng 20 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Con số tiêu thụ này được cho là vẫn lớn hơn nhiều so với sản lượng tự sản xuất của Mỹ hiện tại ở mức 9,1 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy dù nỗ lực tăng sản lượng sản xuất, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu dầu.
Nhân viên làm việc tại một giàn khoan ở Mỹ Ảnh: Bloomberg
Như vậy, rõ ràng việc cắt giảm sản xuất của OPEC đã có những tác động đáng kể đến thị trường năng lượng của Mỹ. Trừ khi Mỹ hoàn toàn có thể tăng sản xuất trong nước, đặc biệt trong hoàn cảnh đang có nhiều giàn khoan dầu ở các mỏ dầu lớn nhất của nước này vẫn chưa được lắp ráp hoàn chỉnh, nếu không giá dầu vẫn có khả năng tăng trở lại, chứ không “chìm” quá sâu như dự đoán. Bên cạnh đó, việc thuê đất để phục vụ quá trình khai thác, sản xuất dầu cũng đang là một vấn đề đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở lĩnh vực này...
Giá dầu đã tăng nhẹ hôm 24.3 do nhập khẩu dầu thô từ Ả Rập Xê Út vào Mỹ giảm. Hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 9 cent/thùng lên 50,65 USD/thùng, trong khi dầu của Mỹ lên 47,85 USD/thùng, tăng 15 cent. Hiện tại, Ả Rập Xê Út đặt mục tiêu giá dầu ở mức 60 USD/thùng trong hi vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sẽ được thông qua trước cuối tháng 6.2017.
Theo ước tính nếu tất cả các giàn khoan dầu chưa hoàn thiện tại Mỹ bắt đầu hoạt động thì sản lượng dầu của nước này sẽ tăng 300.000 thùng/ngày, tương đương với mức giảm từ nguồn cung Ả Rập Xê Út. Điều này có nghĩa là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ phải tiếp tục cắt giảm nguồn cung của họ sang Mỹ ở mức cao hơn nữa, sau đó chuyển hướng tập trung sang các đối tác châu Á và châu Âu để thay thế.
Phương Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.