Nga dần cạn tiền mặt

17/09/2016 16:02 GMT+7

Tiền mặt của Nga đang chảy ra ngoài với tốc độ đáng báo động.

CNN cho hay sau gần hai năm suy thoái, dự trữ của Nga giảm xuống còn 32,2 tỉ USD trong tháng này, theo Bộ Tài chính Nga. Hồi tháng 9.2014, ngay trước khi giá dầu bắt đầu lao dốc, con số trên là 91,7 tỉ USD. Tình hình ngày càng tệ hơn. Giới phân tích cho rằng dự trữ Nga sẽ hạ xuống chỉ còn 15 tỉ USD vào cuối năm nay và nhanh chóng cạn kiệt không lâu sau đó.
“Với tốc độ hiện tại, quỹ sẽ cạn kiệt vào giữa năm 2017, cũng có lẽ là vài tháng sau đó”, nhà kinh tế trưởng Ondrej Schneider tại Viện Tài chính Quốc tế viết trong báo cáo hồi tuần này.
Quỹ dự trữ của chính phủ Nga được thiết kế để trang trải thâm hụt ngân sách quốc gia trong thời đoạn doanh thu dầu mỏ, khí đốt thấp. Ngân sách năm 2016 của Nga xây dựng với giả định họ có thể bán mỗi thùng dầu với giá 50 USD.
Tuy vậy, giá dầu trung bình trong tám tháng đầu năm nay là dưới 43 USD/thùng. Dầu thô hiện chỉ chiếm 37% tổng nguồn thu chính phủ, thấp hơn nhiều so với 50% cách đây hai năm. Dự kiến, Nga sẽ công bố ngân sách năm sau hậu cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào cuối tuần này.
Giá dầu giảm đồng nghĩa với việc Nga phải khai thác dự trữ liên tục. Chính phủ Nga cho hay một khi dự trữ cạn kiệt, họ có thể phải dùng quỹ phúc lợi. Điện Kremlin cho biết quỹ trên có hơn 70 tỉ USD. Mục đích của quỹ này không phải là để trang trải thâm hụt ngân sách, mà là tài trợ lương hưu và các dự án đầu tư quy mô lớn.
Ông Schneider cho biết tài sản trong quỹ ít có tính thanh khoản nên về bản chất, chính phủ khó mà rút tiền mạnh từ đó. Ngân hàng Trung ương Nga giảm lãi suất hôm 16.9 từ 10,5% xuống 10% trong nỗ lực kích thích nền kinh tế. Ngân hàng trung ương này vẫn còn 395 tỉ USD trong dự trữ quốc tế, giảm từ mức 524 tỉ USD vào tháng 10.2013. Số tiền mất đi trong giai đoạn năm 2014 đến năm 2015 là vì nước Nga cố gắng “cứu” đồng rúp khỏi lao dốc không phanh.
Song chiến lược trên chẳng mấy tác dụng và ngân hàng dần dà từ bỏ nó. Rúp Nga hạ xuống mức thấp nhất vào tháng 1, ở mức 82 rúp đổi được 1 đô la Mỹ. Hiện nội tệ Nga ở ngưỡng 65 rúp ngang giá 1 đô la Mỹ.
Giá dầu giảm đến cùng lúc với nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây. Các lệnh trừng phạt cô lập nhiều doanh nghiệp quan trọng nhất Nga ra khỏi tài chính châu Âu, cấm nhập khẩu một số sản phẩm và đóng băng quỹ của một số quan chức chủ chốt Nga. Nga trả đũa lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế nhập khẩu thực phẩm châu Âu, khiến nông dân khu vực đau đầu nhưng cũng đẩy lạm phát ở Nga lên mức hai chữ số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.