(TNO) Nga và Kyrgyzstan nằm trong số những nước đầu tiên Trung Quốc tuyên bố sẽ trở thành thành viên đồng sáng lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) trong tháng 4. Trong khi đó, Triều Tiên đã chính thức bị từ chối.
Báo chí quốc tế nói Triều Tiên xin gia nhập AIIB nhưng bị Trung Quốc từ chối - Ảnh: AFP
|
Trung Quốc đã tạm chốt danh sách nộp đơn xin gia nhập AIIB vào ngày 31.3.
Báo Nga Russia Today và trang tin tức Mỹ UPI ngày 31.3 tiết lộ Triều Tiên đã gửi đề nghị gia nhập AIIB từ tháng 2.2015, tuy nhiên Trung Quốc không đồng ý.
Trang Emerging Market hôm 27.3 cho biết Bắc Kinh yêu cầu các bên tham gia AIIB phải công bố thông tin về tình hình thuế và các hoạt động kinh tế, nhưng Bình Nhưỡng không làm được. Thậm chí, trang tin tức kinh tế của Anh mô tả Triều Tiên "sốc" với động thái từ chối từ phía Trung Quốc.
Việc Triều Tiên muốn gia nhập AIIB cũng xuất hiện trong bài viết của The Diplomat ngày 1.4. Trang tin về quan hệ quốc tế dẫn lại cuộc trò chuyện giữa người từng đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masahiro Kawai và người đứng đầu AIIB Kim Lập Quần (Jin Liqun), xác nhận mong muốn gia nhập cuộc chơi của Bình Nhưỡng.
"Khi tôi gặp Kim Lập Quần hồi tháng 12.2014, ông ấy nói rằng Triều Tiên đã trao đổi với ông ấy. Và ông Quần đã bày tỏ lập trường rõ ràng rằng AIIB sẽ yêu cầu tiết lộ thông tin đầy đủ về nền kinh tế, nhưng Triều Tiên đã không sẵn sàng cung cấp thông tin", ông Kawai nói.
Triều Tiên "đã ngừng công bố thống kê kinh tế từ năm 1967",The Diplomat dẫn lời chuyên gia Andray Abrahamian của tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế Choson Exchange từ Singapore nói với NK News. Choson Exchange chủ yếu cung cấp kiến thức và thông tin về chính sách, kinh doanh, pháp luật kinh tế cho người trẻ ở Triều Tiên.
UPI dẫn thông tin từ hãng thông tấn Yonnhap (Hàn Quốc) cho rằng việc Triều Tiên bị từ chối lần này cũng tương tự năm 1997, thời điểm Bình Nhưỡng thất bại trong nỗ lực gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do không thể công khai các thống kê kinh tế.
AIIB được đánh giá là nơi chứng tỏ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên bình diện quốc tế. Đặc biệt, AIIB sẽ là đối trọng với những ngân hàng Mỹ chiếm ưu thế như WB và IMF. Trong mối quan hệ Nga - Mỹ - Trung, việc Nga và Trung Quốc lên chung một con thuyền tạo sự chú ý lớn.
Tuy vậy, ngoài ý nghĩa về mặt chính trị, việc tham gia AIIB sẽ đem lại cho Nga nhiều lợi ích kinh tế. Nhà kinh tế Lý Đạo Quỳ của Trung Quốc nói với Spurnik News: “Nga sẽ hưởng lợi ích to lớn với việc gia nhập AIIB”. Ông lý giải, AIIB không chỉ giúp các công ty Nga tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trong khu vực, còn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư nước ngoài vào Moscow. Đây là lợi ích đáng cân nhắc cho Nga trong bối cảnh các công ty nước này đang chịu sự trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Bình luận (0)