Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU lần này, dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, được coi là cuộc gặp chính thức cấp cao nhất đầu tiên giữa hai bên kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Georgia hồi tháng 8 vừa qua. Đây là cơ hội để Nga - EU hàn gắn những căng thẳng giữa hai bên trong gần 3 tháng qua.
Quan hệ Nga - EU đã trở nên lạnh lẽo kể từ sau cuộc chiến tranh tại Nam Ossetia. Tại một hội nghị khẩn cấp hồi đầu tháng 9, các lãnh đạo EU đã quyết định ngưng các cuộc đàm phán với Nga. Tuy nhiên, hôm 10.11, ngoại trưởng 26 nước thành viên EU, trừ Lithuania, đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán với Nga về Hiệp định hợp tác và đối tác chiến lược Nga - EU mới, thay cho hiệp định cũ đã hết hạn từ tháng 12.2007. Lý giải về việc này, Benita Ferrero-Waldner, Cao ủy châu u phụ trách đối ngoại, nhấn mạnh: “Nga là một đối tác rất quan trọng, vì thế chúng tôi muốn tiếp tục đối thoại với Moscow”, theo kênh truyền hình Euronews. Đây là tín hiệu lạc quan đầu tiên cho thấy quan hệ Nga - EU bắt đầu tan băng.
Tín hiệu thứ hai là Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố tại hội nghị các lãnh đạo doanh nghiệp EU tại thành phố Cannes (Pháp) hôm 13.11 rằng Nga và EU nên “có tiếng nói chung” về cuộc khủng hoảng tài chính tại Hội nghị cấp cao G-20 diễn ra ở Mỹ hôm nay, rằng Moscow sẵn sàng phối hợp với Brussels cải tổ hệ thống tài chính thế giới. Theo hãng tin AFP, ông Medvedev đã đề xuất việc lập quan hệ đối tác mới với EU.
Theo ông, lập trường của Nga và EU về cuộc khủng hoảng tài chính có nhiều điểm chung dù vẫn còn một số điểm khác biệt. Các tuyên bố này của ông Medvedev rất có ý nghĩa với EU vì với sự hậu thuẫn của Nga, EU hy vọng có thêm bằng chứng thuyết phục Mỹ nhanh chóng chấp nhận các sáng kiến cải cách hệ thống tài chính toàn cầu do Pháp đề xuất mà khối này sắp giới thiệu tại Hội nghị G-20. Ngoài ra, để tỏ rõ thiện chí, Moscow khẳng định sẽ hoãn tăng thuế đối với các mặt hàng gỗ xuất sang châu u trong một năm, theo BBC. Còn theo hãng tin RIA Novosti, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm 12.11 tuyên bố sẽ giảm giá khí đốt cho EU vào năm tới.
Rõ ràng, những động thái trên cho thấy Nga và EU đang nỗ lực tái tạo niềm tin vào nhau. Sau một thời gian “xa cách”, cả hai bỗng nhận ra họ “cần có nhau” và việc củng cố quan hệ song phương không chỉ có lợi cho mình mà cho cả bên kia. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU (sau Mỹ và Trung Quốc) và là nhà cung cấp năng lượng chính cho khối này, trong khi EU là nhà đầu tư lớn nhất tại Nga.
Châu Yên
Bình luận (0)