Nga giữa ngã ba đường tại Diễn đàn kinh tế thế giới

22/01/2015 09:19 GMT+7

(TNO) Moscow được chú ý đặc biệt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), trong bối cảnh kinh tế Nga đang suy sụp và các chuyên gia đặt vấn đề rằng, liệu Tổng thống Putin có thái độ hòa hoãn?

(TNO) Moscow được chú ý đặc biệt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, trong bối cảnh kinh tế Nga đang suy sụp và các chuyên gia đặt vấn đề rằng, liệu Tổng thống Putin có thái độ hòa hoãn?

The Moscow Times hôm 20.1 cho biết Nga đang có động thái muốn hợp tác tại WEF năm nay. Dù lần này Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tham dự WEF, nhưng Nga sẽ cử một đoàn đại biểu đông đảo đến Davos.
Vai trò của Nga trong ngành năng lượng thế giới sẽ là vấn đề được bàn thảo. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để nhận định thái độ của điện Kremlin trong các vấn đề chính trị.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2015 - Ảnh: Reuters
Chính trị và kinh tế Nga song hành thế nào?
The Economist ngày 16.1 có bài phân tích mối tương quan giữa kinh tế Nga, giá dầu và thái độ của chính phủ Nga trong lịch sử. Ở mỗi giai đoạn có biến cố kinh tế, Nga đều có chính sách đối ngoại tương ứng.
Hiện nay sự sụt giảm giá dầu, lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây đã khiến Nga đối diện nhiều vấn đề như xuất khẩu dầu mỏ yếu kém, đồng rúp trượt giá so với USD, chi tiêu trong nước cắt giảm... Đây là sự tương phản rất lớn so với thời kỳ cực thịnh của Tổng thống Putin, đỉnh điểm là lúc giá dầu lên hơn 110 USD/thùng hồi tháng 4.2011.
Lật lại quá khứ, Nga đang đi theo con đường tương tự khi còn là Liên bang Xô Viết. The Economist dẫn lại thống kê cho thấy vào năm 1979, giá dầu đạt mốc 101 USD/thùng cũng là thời điểm kinh tế Nga hưng thịnh.
Chỉ 7 năm sau, giá dầu tụt còn 30 USD/thùng, và cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev đưa ra chương trình Perestroika (cải tổ). Theo đó, Nga tích cực xoa dịu, cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây thông qua các nỗ lực cam kết giảm trừ vũ khí hạt nhân tại châu Âu, góp phần xóa tan cuộc Chiến tranh lạnh.
Đến thời điểm ông Vladimir Putin nhậm chức tổng thống, giá dầu thô là 25 USD/thùng. Ông Putin khi đó tự nhận mình là đồng minh của Mỹ, không đặt tình trạng đối đầu địa chính trị với NATO ở các nước và lãnh thổ tại vùng biển Baltic. Sự kiện ngày 11.9.2001 còn được ông Putin xem là cơ hội để nước Nga xích lại gần hơn với NATO, theo The Economist.
Đây có là lúc ông Putin (trái) hòa hoãn với phương Tây? - Ảnh: Reuters
Chính sách mềm mỏng này đã mang lại kết quả khi 7 năm sau, giá dầu leo lên mức giá 105 USD/thùng. Nước Nga lúc này lại tranh thủ "lấy" Georgia, và quan hệ với Mỹ cùng lúc trở nên xấu đi.
Khi giá dầu, vì cuộc khủng hoảng tài chính mà giảm xuống còn 67 USD/thùng, người ta lại chứng kiến Nga chấp nhận các chính sách mới của Mỹ.
Nhìn lại quãng đường ấy, có thể thấy Nga luôn chấp nhận cư xử mềm mỏng và việc này đã giúp ích cho sự phục hồi kinh tế của họ.
Giữa ngã ba đường
“Năm nay chúng ta đang ở ngã ba đường. Có hai xu hướng có thể xảy ra: một thế giới của sự tan rã, sự hận thù và cực đoan... hoặc một thế giới của tình đoàn kết, hợp tác", The Moscow Times dẫn lời chủ tịch WEF Klaus Schwab nói trong buổi họp báo tuần trước.
Trong các vấn đề được đem ra bàn thảo, tờ The Moscow Times đặc biệt nhấn mạnh trường hợp Nga và lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, các nhà phân tích tỏ ra bi quan về triển vọng trong mối quan hệ Nga - phương Tây.
“Hiện tại, các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine có xu hướng leo thang, điều này khiến hy vọng về việc cải thiện quan hệ với phương Tây sẽ rất nhỏ cho đến khi lệnh trừng phạt kết thúc vào tháng 3 tới”, The Moscow Times dẫn lời Yevgeny Minchenko, người đứng đầu công ty tư vấn Minchenko (trụ sở tại Moscow) cho biết.
Trong một diễn biến tương tự, ngày 20.1 The Moscow Times cũng đưa nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Nga sẽ sụt giảm khoảng 3,5% trong năm 2015 này.
Chủ tịch IMF Christine Lagarde cho rằng kinh tế Nga sẽ không sáng sủa trong năm 2015 - Ảnh: Reuters
Một viễn cảnh không mấy sáng sủa đang chờ đợi kinh tế nước Nga, và nếu vậy, đây có phải là lúc Tổng thống Putin sẽ chọn cách hòa hoãn như những gì lịch sử ghi nhận?
Trong bài viết ngày 16.1, The Economist lưu ý rằng ông Putin trên thực tế vẫn đang chọn cách thức đối đầu. Ông tỏ ra tự tin trong buổi họp báo cuối năm 2014, và mới đây còn tuyên bố tiếp tục đầu tư cho quân sự trong năm nay. Chưa biết đó có phải lời tuyên bố cuối cùng hay chưa, song diễn đàn kinh tế lần này có thể sẽ chứng kiến một bước ngoặt của thế giới, theo lời ông Klaus Schwab.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.