Nga hóa giải các vũ khí viện trợ của phương Tây cho Ukraine như thế nào?

Trí Đỗ
Trí Đỗ
11/07/2024 11:58 GMT+7

Một vị tướng Phần Lan nói rằng việc Nga ngăn chặn các loại vũ khí chính xác mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã cho thấy Nga có khả năng thích ứng trên chiến trường và năng lực tác chiến điện tử hiệu quả.

Vũ khí được dẫn đường bằng hệ thống GPS có thể tấn công chính xác vào mục tiêu đối phương và đóng vai trò quan trọng trong một số biện pháp đối phó trước đây của Ukraine chống lại Nga trên tiền tuyến, theo Business Insider.

Kể từ đầu những tháng đầu xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và phương Tây đã viện trợ rất nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến cho Kyiv. Trong đó, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 80 km, từng được coi là giải pháp sống còn của Ukraine nhằm ngăn chặn bước tiến của Nga vào mùa hè năm 2022.

Vũ khí công nghệ cao của phương Tây ‘vô dụng’ trong xung đột Ukraine

Tuy nhiên, những vũ khí chính xác do phương Tây cung cấp đang trở nên kém hiệu quả khi Nga nhanh chóng thích nghi trên chiến trường và vận dụng chiến tranh điện tử.

Theo đó, Nga sử dụng các phương pháp như gây nhiễu hoặc "giả mạo GPS" nhằm vào vũ khí hay máy bay không người lái (UAV) của đối phương để cản trở khả năng hoạt động. Các biện pháp đối phó điện tử này thường rẻ tiền hơn và mang lại lợi thế chiến thuật lớn trên chiến trường. Hiện nay, cả Ukraine và Nga đều ứng dụng tác chiến điện tử trên tiền tuyến.

Nga hóa giải các vũ khí viện trợ của phương Tây cho Ukraine như thế nào?- Ảnh 1.

Các quân nhân Ukraine bắn một quả đạn pháo từ khẩu M777 tại khu vực Donetsk (Ukraine) ngày 6.6.2022

REUTERS

Các biện pháp tác chiến điện tử cũng ngăn chặn được loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) có tầm bắn tối đa 150 km. GLSDB do 2 tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển hợp tác phát triển, được triển khai trên chiến trường Ukraine vào đầu tháng 2 năm nay.

Song, trên thực tế các chuyên gia lưu ý rằng loại bom này thường xuyên trượt mục tiêu và không thể phát huy hiệu quả trên chiến trường Ukraine vì năng lực tác chiến điện tử của Nga, theo Reuters.

Chia sẻ trên tờ The Journal, Thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Phần Lan Esa Pulkkinen cho biết chiến tranh điện tử đã chứng minh rằng các loại đạn pháo không điều khiển, kém tiên tiến hơn vẫn có thể được sử dụng vì chúng miễn nhiễm với mọi loại nhiễu và sẽ tấn công mục tiêu mà không bị ảnh hưởng bởi các năng lực điện tử.

Theo tờ The New York Times, cuộc xung đột ở Ukraine chủ yếu diễn ra bằng pháo binh truyền thống, không dùng đạn dẫn đường. Do đó, Mỹ và các nước phương Tây hiện đẩy nhanh sản xuất đạn pháo không điều khiển để kịp thời cung cấp dòng viện trợ tới Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.