(TNO) Nga đang mở rộng ảnh hưởng của mình tới các nước Mỹ Latinh thông qua các hoạt động hợp tác về kinh tế, chính trị, quân sự. Một số chuyên gia cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới vai trò của Mỹ ở khu vực này.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Cuba Raul Castro - Ảnh: Reuters
|
Về quan hệ chính trị, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định trong phần trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Itar-Tass hồi năm 2014, Nga coi mối quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh là một trong những đường lối quan trọng và đầy hứa hẹn trong chính sách đối ngoại của Nga, theo Russia Today.
Mối quan hệ này được cụ thể hóa qua các chuyến thăm viếng gần đây của giới chức Nga. Có thể kể đến chuyến công du dài ngày của Tổng thống Nga Putin hồi tháng 7.2014. Chuyến đi này được báo giới đánh giá là nhằm khẳng định sức mạnh của Nga không chỉ dừng lại ở tầm khu vực.
Mới đây nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25.3 đã có chuyến công du tới Cuba và một số nước Mỹ Latinh khác như Colombia, Nicaragua và Guatemala nhằm tăng cường quan hệ song phương và mở rộng các cơ hội hợp tác, theo AFP.
Bên cạnh đó, sự hoan nghênh của Nga đối với các tổ chức ở khu vực này như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) hay Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) cũng cho thấy sự quan tâm của Moscow đến tây bán cầu. Không những thế, mối quan hệ này còn được củng cố tại các diễn đàn đa phương, điển hình như sự ủng hộ của Cuba, Venezuela và Nicaragua trong vấn đề Crimea.
Ở quan hệ song phương, Nga thể hiện “tình đoàn kết” với các nước như Cuba, Venezuela hay Brazil. Có thể kể đến tuyên bố mới đây nhất của ông Sergei Lavrov khi đang ở thăm Colombia hôm 25.3, AFP đưa tin Ngoại trưởng Nga đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Venezuela cách đây không lâu. Còn tại Cuba, ông Lavrov kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt lên quốc đảo này.
Điều đáng nói, quan hệ chính trị ngoại giao giữa Nga và một số nước Mỹ Latinh ngày một được củng cố trong khi các nước này lại có quan hệ không mấy tốt đẹp hoặc còn vướng mắc với Mỹ.
Trong quan hệ kinh tế, Nga tiếp tục tăng cường hợp tác và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực. Mặc dù giao thương kinh tế của Nga với các nước khu vực này không lớn nhưng Nga tham gia một số hoạt động khai thác mỏ và có chính sách mở rộng quan hệ kinh tế với khu vực này. Tổng thống Nga Putin cho biết nền tảng để đạt được điều này chính là Chương trình hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật liên chính phủ trong giai đoạn 2012 - 2020, theo Russia Today.
Một tàu chiến Nga ở gần cảng của Nicaragua - Ảnh: Reuters
|
Bên cạnh đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện về mặt quân sự của Nga tại Mỹ Latinh. Một chuyên gia của McClatchy DC News cho rằng sự hợp tác quân sự của Nga với Nicaragua sẽ tác động tới vai trò của Mỹ, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Nga đối với khu vực tây bán cầu, theo Sputnik News.
Chính Tướng John Kelly, Tư lệnh chỉ huy khu vực Nam Mỹ cũng đã khẳng định việc Nga sử dụng sức mạnh của mình sẽ thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở tây bán cầu, theo Sputnik News.
Cơ sở được các nhà phân tích đưa ra trong lĩnh vực quân sự là những thỏa thuận được ký kết giữa Moscow và Managua trong thời gian qua. Hồi tháng 2, Nga và Nicaragua đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ, trong đó cho phép tàu chiến Nga dễ dàng ra vào các cảng ở quốc gia Mỹ Latinh này. Bên cạnh đó, hai bên còn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự khác.
Sputnik News dẫn lời ông Vladimir Kuvshinov, Tổng thư ký của Tổ chức phòng vệ dân sự quốc tế cho biết Nga có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Nicaragua cùng với hệ thống kỹ thuật cao phục vụ cho việc xây dựng kênh đào qua lãnh thổ nước này. Kênh đào Nicaraqua sẽ nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, được nhận định sẽ cạnh tranh thậm chí tiến tới thay thế kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát.
Rõ ràng Nicaragua là nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng và sự hiện diện quân sự của Nga ở đây được giới phân tích đặc biệt lưu tâm.
Bình luận (0)