Nga, Mỹ đấu khẩu quanh cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh

Văn Khoa
Văn Khoa
26/09/2023 15:11 GMT+7

Moscow và Washington cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn cho vùng Nam Caucasus, trong lúc hàng ngàn người dân tộc Armenia rời bỏ nhà cửa ở vùng Nagorno-Karabakh để đến Armenia.

"Chúng tôi kêu gọi Washington kiềm chế những lời nói và hành động cực kỳ nguy hiểm dẫn đến sự gia tăng giả tạo trong quan điểm chống Nga ở Armenia", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm nay 26.9, theo Reuters.

Đại sứ Antonov có phát ngôn như trên sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 25.9 nói rằng Nga đã cho thấy họ không phải là một đối tác đáng tin cậy. Armenia trước đó đổ lỗi cho Nga vì đã không can thiệp vào việc lực lượng Azerbaijan giành lại Nagorno-Karabakh trong tuần trước.

Tại sao dòng người dân tộc Armenia lũ lượt rời Nagorno-Karabakh?

Hàng ngàn người dân tộc Armenia đã chạy trốn khỏi khu vực ly khai Nagorno-Karabakh trong ngày 25.9 sau khi các chiến binh của họ bị Azerbaijan đánh bại trong chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào ngày 19.9.

Cũng trong ngày 25.9 đã xảy ra vụ nổ tại một kho xăng ở Nagorno-Karabakh, khiến ít nhất 20 người chết và hơn 290 người nhập viện, theo Reuters dẫn lời giới chức địa phương.

Nga, Mỹ đấu khẩu về bất ổn trong cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh - Ảnh 1.

Nhân viên cứu hộ và y tế làm việc sau vụ nổ kho xăng ở Nagorno-Karabakh ngày 25.9

Reuters

Azerbaijan đã hứa bảo vệ quyền lợi của khoảng 120.000 người Armenia sinh sống ở Nagorno-Karabakh nhưng nhiều người từ chối chấp nhận sự đảm bảo đó, theo Reuters.

Vùng Nagorno-Karabakh ban đầu tuyên bố độc lập, ly khai Azerbaijan vào thập niên 1990, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, vùng đất ly khai này có cư dân đa số là người Armenia và được chính quyền Yerevan hậu thuẫn.

Azerbaijan giành lại nhiều vùng tại Nagorno-Karabakh và xung quanh đó sau cuộc chiến năm 2020. Moscow đã triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến vùng Nagorno-Karabakh sau lệnh ngừng bắn năm 2020.

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh buông vũ khí, tìm đường ra đi

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 24.9 đặt câu hỏi về "mục tiêu và động cơ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh", theo Đài RT. Ông Pashinyan còn cáo buộc "các đồng minh mà chúng tôi tin cậy trong nhiều năm" đã "đặt mục tiêu vạch trần điểm yếu của chúng tôi và biện minh cho việc người dân tộc Armenia không thể có một nhà nước độc lập", mà không đề cập đến quốc gia cụ thể nào.

Thủ tướng Pashinyan còn nói rằng sự leo thang ở Nagorno-Karabakh và những mối nguy hiểm mà người dân tộc Armenia phải đối mặt ở đó "không liên quan gì" đến chính phủ của ông.

Nga, Mỹ đấu khẩu về bất ổn trong cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh - Ảnh 2.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu trên truyền hình ở Yerevan, trong bức ảnh được công bố ngày 24.9

Reuters

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 25.9 cho rằng chính cách tiếp cận "không nhất quán" và "vô trách nhiệm" của Yerevan đã dẫn đến căng thẳng leo thang ở Nagorno-Karabakh, theo RT. Moscow cho rằng Yerevan phải chịu trách nhiệm cho chiến thắng của Azerbaijan về Nagorno-Karabakh vì Armenia hướng đến phương Tây hơn là hợp tác với Moscow và Baku để đạt được hòa bình.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Armenia đã dựa vào quan hệ đối tác an ninh với Nga, nhưng quan hệ giữa hai nước đã xấu đi kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022. Thủ tướng Pashinyan quy trách nhiệm cho Nga vì đã không đảm bảo an ninh cho Armenia, theo Reuters.

Washington và một số đồng minh phương Tây đã lên án những hành động thù địch của người Azerbaijan, vốn đã làm thay đổi diện mạo của Nam Caucasus. Đây là khu vực có nhiều sắc tộc cùng nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt, và là khu vực Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tranh giành ảnh hưởng, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.