Cả Mỹ và Nga hiện đối mặt với nhiều vấn đề bức thiết, từ việc kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran cho đến cuộc chiến tại Afghanistan cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại London (Anh) vào hôm qua được xem như một phép thử về sự sẵn sàng hợp tác giữa hai cường quốc sau những đổ vỡ được xem là tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Theo hãng tin AP, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã ra một tuyên bố chung cho biết "kỷ nguyên mà hai nước xem nhau như kẻ thù đã trôi qua từ lâu". Cả hai cũng tuyên bố sẵn sàng gạt qua bên những bất đồng để cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề cấp bách trên. "Những gì chúng ta thấy hôm nay là sự khởi đầu của những tiến bộ mới trong quan hệ Mỹ-Nga", Tổng thống Obama nói. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm: "Tôi cảm thấy lạc quan hơn về việc phát triển thành công mối quan hệ của chúng tôi".
AP dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp nhận lời mời thăm Moscow vào tháng 7 tới của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. |
Nằm trong xu hướng hàn gắn quan hệ, các chủ nhân của Nhà Trắng và Điện Kremlin cho biết hai bên cần đạt được một hiệp định mới thay cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược được ký vào năm 1991 (START 1), vốn sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay. Một hiệp ước mới sẽ quy định hai bên cắt giảm hơn nữa các kho vũ khí của mình. "Chúng tôi sẽ chỉ thị cho các nhà đàm phán khởi động ngay cuộc hội đàm về hiệp ước mới và sẽ thông báo những kết quả đạt được vào tháng 7 tới", trích từ tuyên bố chung của hai tổng thống. Cũng nhằm tìm cách xóa bỏ bất đồng giữa hai bên, Moscow khẳng định ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và không muốn chứng kiến sự trỗi dậy của lực lượng Taliban, vốn sẽ tạo ra bất ổn cho khu vực. Điều này có thể nhận thấy qua việc Moscow đã cho Washington "mượn đường" để chuyển quân nhu tới Afghanistan.
Do đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa ông Obama và ông Medvedev và lại diễn ra trong thời gian ngắn nên hai bên đã hạn chế đề cập nhiều đến những vấn đề "nhạy cảm" như kế hoạch lập lá chắn tên lửa ở Đông u của Mỹ, chương trình hạt nhân của Iran và những nỗ lực nhằm mở rộng biên giới của NATO về phía đông của chính quyền Mỹ tiền nhiệm... Moscow lâu nay vẫn phản đối kịch liệt kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông u vì lo ngại cho an ninh của mình.
Tuy cả Washington và Moscow đều coi hội nghị này là để bổ trợ cho nhau trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm mà hai bên quan tâm nhưng theo các nhà phân tích, điều này chỉ có ý nghĩa trong tương lai gần. Còn trong tương lai xa, mối quan hệ Mỹ-Nga vẫn là một câu đố phức tạp và không dễ để tìm câu trả lời.
Châu Yên
Bình luận (0)