|
Từ cuối tháng 8 đến nay, Nhật Bản, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Anh rồi tới Mỹ và Canada đều cho biết đã phải triển khai chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay quân sự Nga xâm nhập không phận hoặc Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Theo Interfax, Nga phủ nhận cáo buộc liên quan đến Phần Lan, Nhật Bản và không bình luận về các vụ khác. Nhìn vào danh sách trên có thể thấy trong vòng chưa đến một tháng, chỉ có vùng trời ở châu Phi là chưa xuất hiện bóng dáng máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ Nga. Những vụ việc này cũng trùng lặp với các cuộc tập trận không quân quy mô lớn do Nga tiến hành tại nhiều quân khu. Từ những diễn biến trên, chuyên san The National Interest dẫn lời giới quan sát nhận định Moscow đang phô diễn những dòng máy bay lợi hại của mình đồng thời ra sức bổ sung sức mạnh trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây đang căng thẳng. The National Interest cũng chỉ ra một số loại khí tài mà các đối thủ của không quân Nga phải gờm mặt.
Lợi hại phi đội Sukhoi
Không quân Nga vừa kết nạp thêm 3 đời chiến đấu cơ mới nhất là Su-30M2, Su-30SM và Su-35S, với hàng chục chiếc mỗi loại. Tính đến hết năm nay, tổng cộng căn cứ tại Siberia sẽ được trang bị 20 chiếc Su-30SM. Mới đây, những chiếc Su-35S đầu tiên cũng gia nhập căn cứ Dzemgi thuộc vùng Khabarovsk ở Viễn Đông.
Trong số này, Su-30M2 là dòng ít phức tạp nhất, được thiết kế dựa trên chiến đấu cơ đa nhiệm Su-30MKK 2 ghế, xuất xưởng từ Hiệp hội Sản xuất phi cơ Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) tại miền Viễn Đông. The National Interest dẫn phân tích của giới chuyên gia nhận định Su-30M2 sẽ kết hợp hiệu quả với chiến đấu cơ một người lái Su-27SM3 thực hiện các sứ mệnh huấn luyện và tấn công trong mọi điều kiện thời tiết. Còn Su-30SM, với bề ngoài rất giống Su-30M2 nhưng được trang bị dòng ra đa vượt trội hơn là N011M Bars-R với khả năng quét mảng pha điện tử thụ động. Theo đánh giá, Su-30SM có thể được trang bị tên lửa mới RVV-SD và tên lửa tầm ngắn RVV-MD. Khác với những “người anh em” cùng dòng Su-30, Su-35S là chiến đấu cơ một người lái, ban đầu được thiết kế cho mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2009, không quân Nga quyết định đặt hàng. Dự kiến đến cuối năm 2014, Nga sẽ bổ sung tổng cộng 48 chiếc cho không quân, tạm thời đảm nhiệm vai trò trong thời điểm chưa có chiến đấu cơ tàng hình PAK FA. Su-35S được trang bị tên lửa không đối không tầm bắn 200 km RVV-BD, tên lửa hành trình không đối đất KH-59, trong khi ra đa Erbis-E có thể tìm kiếm và đặt vào tầm ngắm bất kỳ vật thể bay nào trong bán kính 400 km.
Oanh tạc cơ Tu-95 và Tu-160
So với các loại máy bay quân sự khác của Nga thì các oanh tạc cơ Tu-95 “Bear” và Tu-160 “Blackjack” thuộc hàng “đồ cổ” nhưng chúng vẫn là một trong những vũ khí hiệu quả và được triển khai thường xuyên nhất. Bằng chứng là chỉ trong mấy ngày cuối tuần trước, Tu-95 đã 3 lần liên tiếp khiến không quân Mỹ, Anh và Canada phải triển khai tiêm kích ngăn chặn khi xuất hiện trong ADIZ của những nước này, theo tờ The Washington Times. Máy bay này cũng thường xuyên quần đảo vùng trời khu vực đang tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Ban đầu đảm nhiệm vai trò máy bay ném bom chiến lược tầm xa, sau đó Tu-95 còn vận chuyển thêm tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân AS-3 “Kangaroo”. Tổng cộng Nga đang duy trì khoảng 55 chiếc Tu-95.
Trong khi đó, Tu-160 “Blackjack” được chế tạo từ năm 1980 đến 1992, có thể mang theo một lượng lớn bom và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, hoạt động vào ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Được người Nga gọi là “Thiên nga trắng”, Tu-160 có tốc độ tối đa 2.000 km/giờ và bay trong khoảng 14.000 km không cần tiếp nhiên liệu. Vượt qua ngưỡng này, Tu-160 có thể được tiếp liệu trên không bằng máy bay Il-78, từ đó mở rộng tầm hoạt động mỗi khi xuất kích. Mỗi chiếc Tu-160 có thể mang theo 22 tấn vũ khí, bao gồm 12 tên lửa hành trình AS-15 “Kent” tầm bắn hơn 2.500 km. Theo The National Interest, hiện có khoảng 16 chiếc Tu-160 vẫn còn đang hoạt động, đủ sức bắn 192 tên lửa hành trình hạt nhân với sức công phá 200 kiloton TNT (quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật hồi năm 1945 chỉ có 16 kiloton TNT - NV).
Siêu chiến đấu cơ PAK FA
Hiện nay, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 T-50 PAK FA được đánh giá là dự án tham vọng nhất của không quân Nga kể từ sau chiến tranh lạnh. PAK FA được trang bị khả năng tàng hình siêu hạng, cũng như áp dụng công nghệ ra đa quét mảng pha điện tử tích cực, và cảm biến quang điện để dò tìm và khóa mục tiêu. Mỗi máy bay dự kiến mang theo đến 6 tên lửa tầm xa không đối đất. Các chuyên gia cho rằng máy bay này sẽ đóng vai trò át chủ bài của Nga trong cuộc cạnh tranh chiến đấu cơ thế hệ 5 với F-35 và F-22 của Mỹ, đồng thời vượt trội so với chiếc J-20 của Trung Quốc. Một phiên bản khác của PAK FA cũng được Nga hợp tác phát triển chung với Ấn Độ.
Chuyến bay thử đầu tiên của T-50 PAK FA đã diễn ra ngày 29.1.2010 và hiện có 5 bản thử nghiệm. Dự kiến lô hàng đầu tiên cho không quân Nga sẽ bắt đầu được giao từ năm 2016, và theo RIA-Novosti, Moscow dự định mua từ 400 đến 450 chiếc PAK FA trong giai đoạn năm 2020 - 2040.
Thụy Miên
>> Quân đội Nga nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu
>> Mỹ: Quân đội Nga nên tránh xa Ukraine
>> Quân đội Nga mua 16 chiến đấu cơ MiG-29SMT
>> Quân đội Nga có 500 cuộc tập trận trong mùa hè
>> Quân đội Nga nhận lệnh đối phó hiểm họa vũ trụ
>> Quân đội Nga trang bị thêm 1.600 máy bay
Bình luận (0)