TNO

Nga phóng tên lửa Klub vào Syria: một mũi tên nhằm 2 đích

18/10/2015 06:00 GMT+7

(Tin Nóng) Việc Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa từ biển Caspi vào phiến quân IS ở Syria được cho là có tính toán kỹ, vừa răn đe Mỹ vừa quảng bá tiếp thị cho dòng tàu tên lửa nhỏ mà uy lực Buyan-M cùng các vũ khí khác, theo Bloomberg.

(Tin Nóng) Việc Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa Klub từ biển Caspi vào phiến quân IS ở Syria được cho là có tính toán kỹ, vừa răn đe Mỹ vừa quảng bá tiếp thị cho dòng tàu tên lửa nhỏ mà uy lực Buyan-M cùng các vũ khí khác, theo Bloomberg.

Nga phóng tên lửa Klub vào Syria: một mũi tên nhằm 2 đích - ảnh 1
Tàu tên lửa lớp Gepard của Nga (lượng choán nước 2.000 tấn) phóng tên lửa Klub bay xa 1.500 km tiêu diệt quân IS ở Syria sáng 7.10 - Ảnh: Hải quân Nga

Theo bài viết trên mục Quân sự của Bloomberg ngày 16.10, nếu Moscow chỉ muốn tiêu diệt kẻ thù của tổng thống Syria, Bashar al-Assad thì Nga đang có nhiều tàu chiến bố trí gần đó trên Địa Trung Hải để thực hiện công việc. Nhưng thay vào đó, người Nga phóng 26 tên lửa hành trình tầm xa Klub từ 4 tàu tên lửa trên biển Caspi chỉ đơn giản để cho thấy họ có khả năng làm như vậy. Mỹ và các đồng minh nên được cảnh báo: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ghi thêm được thành công khác.

Phương Tây đã nhận thức rõ rằng Nga có khả năng về tên lửa hành trình, loại vũ khí tự hành có thể bay khoảng cách rất xa ở tốc độ siêu âm và dưới ngưỡng phát hiện của radar.

Nga đã trình diễn cho thấy các tàu chiến tương đối nhỏ - lớp Buyan-M có lượng choán nước chỉ 950 tấn - nhưng lại có hỏa lực có thể so sánh với tàu khu trục lớp Arleigh Burke lớn hơn nhiều (9.000 tấn) và tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga của Mỹ. Bằng cách sử dụng các tàu hộ tống tên lửa nhỏ trang bị các hệ thống phóng tên lửa hành trình Kalibr NK (Klub, theo tên xuất khẩu), điện Kremlin đã bắn một mũi tên nhắm 2 đích.

Đầu tiên là khả năng đáng sợ của vũ khí Nga: càng nhỏ càng khó bị tiêu diệt và tạo khả năng chết người với kẻ thù. Các mục tiêu nhỏ là rất khó khăn để tìm và đánh, và không làm suy yếu khả năng tấn công của đối phương bao nhiêu.

Khả năng này là để đe dọa Mỹ, nước chủ yếu đầu tư cho các vũ khí tầm xa và tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay.

Đối với Nga, lớp tàu tên lửa Buyan không phải là mối đe dọa rất nhỏ đang được phát triển. Nga được cho là đang cải tạo và bổ sung vào hạm đội lớp tàu ngầm mini Piranya (Piranha) của thời Chiến tranh Lạnh có thể đặt mìn dưới nước, phóng ngư lôi và tung ra các đội đặc nhiệm chiến đấu dưới nước. Với lượng choán nước nhỏ khoảng 390 tấn và thân tàu làm bằng hợp kim titan, tàu ngầm mini này hầu như im lặng khi di chuyển.

Mùa thu năm ngoái, quân đội Thụy Điển cáo buộc Nga thử nghiệm tàu ngầm bí mật trong vùng biển của Thụy Điển ở biển Baltic, dẫn đến căng thẳng giữa 2 nước. Mới đây Nga đã thực hiện diễn tập săn tìm tàu ngầm với 3 tàu hộ tống dò tìm và tiêu diệt 1 tàu ngầm lớp Kilo.

Cái đích thứ 2 là quảng bá tiếp thị vũ khí. Với nền kinh tế đang giảm sút do ảnh hưởng giá dầu giảm và các khoản chi phí cho tình hình ở Ukraine và Trung Đông, Nga đang cần tiền mặt. Không có gì ngạc nhiên khi xuất khẩu vũ khí của Nga tăng 37% từ năm 2005 đến 2014. Trong số này có hệ thống tên lửa hành trình Klub-K, một phiên bản xuất khẩu của tên lửa Kalibr bố trí trong container và có giá bán 20 triệu USD. Một nhà phân tích của tạp chí Jane’s từng nhận định về tên lửa Klub-K: Đó là sát thủ của tàu sân bay.

Các tàu tên lửa lớp Buyan-M, đóng tại tại Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk, cộng hòa Tatarstan của Nga, cũng sẵn sàng phục vụ xuất khẩu. Nga dự kiến có thêm 2 chiếc nữa vào cuối năm nay để có được lực lượng 12 tàu tên lửa Buyan-M trang bị tên lửa Klub.

Nga phóng tên lửa Klub vào Syria: một mũi tên nhằm 2 đích - ảnh 2
Nga phóng tên lửa Klub vào Syria: một mũi tên nhằm 2 đích - ảnh 3
Tàu tên lửa lớp Buyan-M của Nga tuy nhỏ (có lượng choán nước chỉ 950 tấn, dài 62 m) nhưng trang bị hoả lực hùng hậu: 1 pháo chính 100 mm, hai pháo bắn nhanh 30 mm, tên lửa phòng không Igla, súng máy, và hệ thống tên lửa Klub NK phóng thẳng đứng (8 ống) đặt phía trên, phần giữa tàu - Ảnh: livejournal

Vậy Mỹ làm thế nào để đối phó với mối đe dọa phân tán hỏa lực tấn công này? Cách tốt nhất là sao chép cách của đối thủ. Ở trên biển, điều này nghĩa là nên ít phụ thuộc vào các tàu rất lớn, đắt tiền như tàu sân bay lớp Ford, tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tàu khu trục lớp Zumwalt đời mới, mà nên chú trọng các tàu chiến nhỏ, linh hoạt hơn.

Lầu Năm Góc đã đầu tư cho lớp tàu tác chiến cận bờ (LCS), nhưng chậm tiến độ, thâm hụt ngân sách so dự kiến và có lỗi thiết kế. Lớp tàu này dài 120 m, lượng choán nước 3.000 tấn, có các modul tháo lắp để khi bố trí lên tàu là có công năng khác nhau, từ săn ngầm, quét mìn đến tấn công cận bờ và thả nhóm đặc nhiệm. Tuy nhiên tàu LCS lại không được trang bị hỏa lực hạng nặng như tên lửa hành trình, tuy rằng tàu này mới đây có thử nghiệm trang bị tên lửa diệt hạm Kongsberg của Na Uy.

Nga phóng tên lửa Klub vào Syria: một mũi tên nhằm 2 đích - ảnh 4
Tàu tác chiến cận bờ LCS, như chiếc Freedom này tuy to lớn (dài 120 m, lượng choán nước 3.000 tấn) nhưng không có vũ khí tầm xa và uy lực như tàu Buyan-M của Nga - Ảnh: Hải quân Mỹ

Bài viết trên Bloomberg kết luận rằng Tổng thống Barack Obama có thể cho rằng sự can thiệp của Tổng thống Putin ở Syria là một dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng việc phóng tên lửa hành trình Klub cho thấy sức mạnh đang lên của Nga, ngay cả khi một vài tên lửa được cho là bị rơi trên đường bay. Đó là lời nhắc nhở rằng Mỹ còn một chặng đường dài để đạt mục tiêu có một hạm đội mà trong đó hầu như mọi tàu chiến đều có khả năng đe dọa tấn công. Và giới chức Mỹ cũng phải nhận ra rằng khi đối phó các cường quốc lớn như Nga và Trung Quốc, tàu nhỏ hơn lại có thể là vũ khí tốt hơn.

Anh Sơn

>> Mạng Trung Quốc ‘dìm hàng’ tàu phóng tên lửa Klub của Nga
>> Trên tàu chiến lớp Gepard phóng tên lửa Klub diệt IS ở Syria
>> Tổng thống Putin: Tên lửa Klub khiến tình báo Mỹ bị bất ngờ
>> Báo Mỹ khen tàu tên lửa Nga: Nhỏ nhưng hoả lực lớn
>> Chuyên gia Nga: Tên lửa Klub khiến tàu sân bay Mỹ kém hiệu quả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.