Nga phục hồi dự án tiêm kích cất cánh thẳng đứng thời Liên Xô
Hải quân Nga dự định phục hồi dự án tiêm kích có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng như kiểu Yak-141 từ thời Liên Xô, bố trí trên tàu sân bay.
Tự động phát
Thông tin này được thứ trưởng quốc phòng Yuri Borisov nói với Lenta ngày 18.7 tại sự kiện Triển lãm hàng không MAKS-2017 ở sân bay Zhukovsky, ngoại ô Moscow. Ông Borisov cho biết hải quân Nga cần phát triển tàu sân bay mới, đi kèm là loại tiêm kích tàu sân bay mới, có khả năng cất và hạ cánh trên quãng đường ngắn và thậm chí là cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng (VTOL). Bộ Quốc phòng đang làm việc với các hãng chế tạo máy bay về phát triển loại tiêm kích này, và đây là việc phát triển từ dòng tiêm kích Yakovlev, ông Borisov nói, theo Sputnik.
|
Hiện nay loại tiêm kích F-35B của Mỹ (trang bị chủ yếu cho Thủy quân lục chiến) là có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng. Trước đó loại Harrier do Anh chế tạo từ những năm 1960 được cả Anh và Mỹ sử dụng phổ biến. Sau đó hãng Yakovlev của Liên Xô chế tạo loại có khả năng tương tự là Yak-36 và những năm 1970 là Yak-38. Loại Yak-38 có ngoại hình y hệt Harrier, và sau này được sử dụng trong cuộc chiến ở Afghanistan nhưng không đáp ứng yêu cầu về tầm hoạt động, tốc độ, và không được trang bị radar để giảm bớt trọng lượng nặng nề của nó.
Theo trang tin Vũ khí Nga (arms-expo.ru), vào năm 1975, Liên Xô quyết định phát triển loại máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng, có thể dùng trên tàu sân bay, có tầm hoạt động xa, bay tốc độ siêu âm và mang nhiều vũ khí, radar mạnh. Hãng Yakovlev được giao nhiệm vụ này. Phòng thiết kế của Yakovlev cho rằng loại Yak-38 khó dùng cho tàu sân bay, thay vào đó sẽ phát triển loại tiêm kích mới có 3 động cơ. Theo đó, hai động cơ dùng để cất cánh thẳng đứng được bố trí ở dưới bụng máy bay, phần gần buồng lái, với ống xả khí theo hướng vuông góc với mặt phẳng; động cơ chính với ống xả khí ở phần đuôi có thể gập xuống 1 góc đến 95 độ. Khi cất hoặc hạ cánh theo phương thẳng đứng, cả 3 ống xả khí phun luồng khí cực mạnh xuống dưới theo phương thẳng đứng giúp máy bay cất hoặc hạ cánh.
|
|
Loại Yak-41 này có thể bay lơ lửng tại chỗ khi cất hoặc hạ cánh. Thân của Yak-41 cũng dài hơn loại Yak-38.
Vào năm 1987, Yakovlev đưa ra 4 mẫu thử nghiệm, gọi là Yak-41 (sau này đổi tên là Yak-141) và cho cất cánh bay thử nghiệm đầu tiên.
Bốn chiếc được chế tạo gồm 2 chiếc dùng thử nghiệm trên mặt đất và 2 chiếc để bay thử. Các chuyến bay thử được tiến hành vào năm 1990, gồm cất - hạ cánh trên đường băng ngắn, cất - hạ cánh thẳng đứng, bay với tốc độ siêu âm (1.800 km/giờ)...
|
Vào năm 1991, một chiếc Yak-41 đã lập được 12 kỷ lục thế giới trong 1 chuyến bay. Sau thành công này, Yak-41 được đổi tên là Yak-141. Liên Xô dự định dùng Yak-141 cho các tàu sân bay và cho không quân. Tuy vậy việc phát triển loại động cơ DT-30 cho dòng máy bay này lại bị trì hoãn và khiến việc sản xuất hàng loạt Yak-141 không thể thực hiện. Trong một lần thử nghiệm hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Gorshkov ngày 5.10.1991, một chiếc Yak-141 do gặp gió lớn đã đáp mạnh xuống sàn tàu làm gãy càng đáp, thùng nhiên liệu bị va đập mạnh khiến máy bay bốc cháy, phi công dùng ghế phóng thoát ra ngoài và được trực thăng vớt từ dưới biển. Sau tai nạn này, cùng với việc Liên Xô tan rã, chương trình Yak-141 bị kết thúc cùng các chương trình phát triển vũ khí khác.
|
Tuy vậy Nga sau đó mang Yak-141 sang dự triển lãm hàng không Farnborough (Anh) năm 1992 và Le Bourget (Pháp) năm 1993. Theo trang tin Vũ khí Nga, tập đoàn Lockheed Martin đã tiếp xúc với hãng Yakovlev và tài trợ để phát triển loại Yak-141. Nhưng sau một thời gian, việc hợp tác bị ngưng, và người ta cho rằng Lockheed Martin đã có được nhiều kiến thức của Yak-141 để sau này phát triển ra dòng tiêm kích tàng hình F-35 (1 động cơ), trong đó có loại F-35B (1 động cơ chính và 1 động cơ dùng cất/hạ cánh thẳng đứng, bố trí gần giữa thân) có chức năng cất/hạ cánh thẳng đứng như Yak-141.
Nay việc Nga tuyên bố phát triển máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng phục vụ cho dự án đóng tàu sân bay mới (dự kiến bắt tay phát triển từ 2018 - 2025) khiến dòng Yak-141 có hy vọng hồi sinh.
Những số liệu về Yak-141Loại máy bay 1 chỗ ngồi, dài 18,3 m, sải cánh: 10,1 m (khi gấp lại: 5,9 m), 3 động cơ, quãng đường tối thiểu để cất cánh: 120 m, trần bay 11 km, tốc độ tối đa 1.800 km/giờ, tầm hoạt động: 2.000 km, bán kính chiến đấu: 900 km, mang được tối đa 3 tấn vũ khí (bom, pháo...). |
Xem Yak-141 cất cánh bay thử vào năm 1991 (nguồn: arms-expo):
|
Bình luận (0)