Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, nước nghèo Đông Phi thêm lo thiếu lương thực

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, nước nghèo Đông Phi thêm lo thiếu lương thực

La Vi
La Vi
20/07/2023 06:30 GMT+7

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực ở Đông Phi sẽ chỉ càng nghiêm trọng hơn sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.

Thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen an toàn. Các cơ quan viện trợ cho biết việc thỏa thuận đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến một số nước nghèo nhất thế giới.

Ông Michael Dunford, Giám đốc WFP tại Đông Phi, cho biết: "Điều này sẽ làm cho khả năng cung cấp lương thực cho người nghèo đói trở nên khó khăn hơn nhiều. Đã có 80 triệu người trong khu vực Đông Phi bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Một loạt các yếu tố đang thúc đẩy điều đó. Xung đột, khí hậu, những cú sốc kinh tế, và tất nhiên là dư âm của Covid. Việc đình chỉ sáng kiến này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất xấu".

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc gây mất an ninh lương thực - Ảnh 1.

Lúa mì nhập khẩu từ Ukraine tại chợ trời Bakara ở Mogadishu, Somalia

REUTERS

Trên hết, ông Dunford cho biết cuộc xung đột ở Sudan gây thêm khó khăn cho việc cung cấp viện trợ trong khu vực.

Chiến tranh đã khiến hơn 3 triệu người phải di tản - trong đó có hơn 700.000 người đã vượt biên sang các nước láng giềng.

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy khu vực có nguy cơ cao như hiện nay. Thực tế, vào đầu năm, chúng tôi đã nói rằng khu vực này đang gặp nguy hiểm. Do những gì đang xảy ra ở Sudan và các yếu tố khác đang diễn ra, có cảm giác như khu vực này thực sự đang bị đốt cháy và ngọn lửa giờ đã không thể kiểm soát được", ông Dunford cho biết.

Hôm 18.7, Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp.

Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết: "Tổng thư ký sẽ tiếp tục khám phá tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine, Nga và phân bón Nga được đưa ra thị trường toàn cầu. Đó là quyết tâm của ông ấy. Có một số ý tưởng đang được đưa ra".

Thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã có hiệu lực từ tháng 7.2022 để chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ukraine và Nga nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.