Nga rút toàn bộ lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Nagorno-Karabakh

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
12/06/2024 22:53 GMT+7

Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông tin Nga đã hoàn tất việc rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi khu vực Nagorno-Karabakh trong ngày 12.6.

"Quá trình rút toàn bộ nhân lực, vũ khí và thiết bị của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã hoàn tất trong ngày 12.6", AFP dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Azerbaijan.

Quá trình rút quân bắt đầu từ tháng 4, với sự thống nhất giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Trước đó, lực lượng Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát khu vực này từ phe ly khai người Armenia sau cuộc tấn công vào tháng 9.2023.

Nga rút toàn bộ lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Nagorno-Karabakh- Ảnh 1.

Binh sĩ và thiết giáp quân đội Nga ở vùng Nagorno-Karabakh

AFP

Xung đột Armenia-Azerbaijan nổ ra vào năm 2020 khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Yereven và Baku vào tháng 11.2020 đã chấp nhận ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian, theo đó Moscow sẽ điều gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh để giám sát lệnh ngừng bắn. Kế hoạch ban đầu là lực lượng Nga sẽ ở lại khu vực này đến năm 2025, song xung đột tại Ukraine được cho là nguyên nhân khiến Moscow rút quân sớm hơn thời hạn.

Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan, dù phần đông dân số nơi đây là người Armenia. Nơi đây được phe ly khai ủng hộ Armenia kiểm soát trong gần 3 thập niên.

Trung tâm ngừng bắn Nagorno-Karabakh đóng cửa khi Nga rút quân

Xung đột Armenia-Azerbaijan đã làm rạn nứt quan hệ đồng minh lâu đời giữa Yerevan và Moscow, khi Armenia cáo buộc Điện Kremlin không bảo vệ được nước này trước mối đe dọa an ninh từ Azerbaijan.

Sau khi mất Nagorno-Karabakh, Armenia tìm cách thiết lập các liên minh an ninh mới bằng cách tăng cường quan hệ với phương Tây.

Hồi tháng 5, Armenia trả lại cho Azerbaijan 4 làng dọc biên giới mà nước này chiếm giữ từ thập niên 1990. Động thái này, được Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan coi là cơ sở để đạt được thỏa thuận hòa bình hoàn toàn với Baku, đã gây ra làn sóng phản đối trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.