Nga sẵn sàng ‘dứt tình’ với phương Tây

14/12/2014 20:00 GMT+7

(TNO) Từ cách ứng xử trong vụ mua tàu Mistral của Pháp, báo chí thế giới đã dẫn ra những chi tiết cho thấy tổng thống Putin đã sẵn sàng cho việc đối đầu với lệnh cấm vận từ phương Tây.

(TNO) Từ cách ứng xử trong vụ mua tàu Mistral của Pháp, báo chí thế giới đã dẫn ra những chi tiết cho thấy tổng thống Putin đã sẵn sàng cho việc đối đầu với lệnh cấm vận từ phương Tây.

Tàu chở trực thăng Mistral - Ảnh: ReutersTàu chở trực thăng Mistral - Ảnh: Reuters
 
Theo thông tin từ Itar-Tass ngày 12.12, Nga sẽ tự đóng tàu chiến chở trực thăng, và Phó ban Hải quân Nga Sergei Shishkarev cho biết sẽ “không cần” hai con tàu Mistral mà Pháp vẫn chưa chịu giao dù đã đóng tiền cọc và ký hợp đồng. Đó là chi tiết cho thấy, Nga đã xác định hướng đi của họ trong các mối quan hệ với phương Tây.

Pháp là “Nước Đức thứ hai”

Trong bài viết hôm 8.12, Itar-Tass dẫn lời tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết “việc giao 2 tàu Mistral cho Nga sẽ phụ thuộc vào những kết quả tại cuộc họp đa phương về hòa bình tại Minsk, Belarus”.

Đó có thể hiểu là một “điều kiện” mà Pháp đặt cho Nga, và phản ứng tuyên bố tự đóng tàu của Nga cũng là thông điệp rõ ràng từ điện Kremlin: Không thương thuyết.
Ông Hollande (trái) gặp gỡ ông Putin Ông Hollande (trái) gặp gỡ ông Putin - Ảnh: Reuters

Cũng hồi 8.12, The Moscow Times cho đăng bài viết tựa đề “Pháp đưa cho Nga ‘Cơ hội cuối cùng’ để thương thảo với phương Tây”. Trong nội dung ấy, The Moscow Times cho rằng Pháp đang trên đường trở thành một “Nước Đức thứ hai”.

Điều này làm tất cả nhớ lại bài viết hồi đầu tháng 12 cũng trên The Moscow Times, khi họ đặt ra vấn đề: Lý do Đức không còn là người bạn tốt nhất của nước Nga tại châu Âu nữa. Theo đó, có 3 nguyên nhân chính lý giải cho điều này.

Thứ nhất, theo Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng về chính sách quốc phòng – đối ngoại của Nga, Đức đã “đặt hạnh phúc của EU lên trên mối quan hệ song phương với Nga”. Thứ hai, theo học giả Ulrich Speck của đại học Carnegie châu Âu tại Brussels, Đức đã lớn mạnh nên không còn là trung gian hòa giải Nga – Mỹ nữa, mà chính Berlin giờ đã là một thái cực riêng biệt. Thứ ba, The Moscow Times dẫn lời một nhà quan sát cho rằng thủ tướng Đức Angela Merkel không ưa ông Vladimir Putin.

Arnaud Dubien, đứng đầu cơ quan Quan sát quan hệ Nga – Pháp cho rằng, Pháp vẫn đang muốn tạo lập quan hệ tốt với Nga để chứng minh giá trị trong Liên minh châu Âu (EU). Có nghĩa là nếu Đức được xem là dẫn đầu EU, pháp của ông Hollande cũng muốn giành ảnh hưởng.

Và với vai trò “nước lớn cuối cùng níu giữ Nga và EU”, Pháp đã chứng tỏ nước này muốn vươn lên để làm đối trọng qua tuyên bố vụ tàu Mistral. Và như thế, Pháp đã là một “nước Đức thứ hai”, tức không còn là bạn của Nga.

Kế hoạch dự phòng

Trong luận điểm chứng minh rằng “Pháp vẫn cần Nga cho mục tiêu tạo ảnh hưởng tại EU”, tờ The Moscow Times dẫn ra chi tiết cho thấy bản thân Nga đã sẵn sàng không hợp tác với Pháp.

Thương mại song phương giữa Nga và Pháp trong 10 tháng đầu năm 2014 chỉ là 15,6 tỉ USD. Đó là con số được mô tả “khiêm tốn” khi nó chỉ chiếm 2,4% tổng thương mại nước ngoài của Nga và có dấu hiệu ngày càng thu hẹp, The Moscow Times dẫn số liệu từ Hải quan Liên bang Nga.

Để so sánh, thương mại Nga – Đức đạt 56 tỉ USD cùng kỳ, chiếm 8,8% tổng thương mại nước ngoài của Moscow. Vậy nên, có “hy sinh” thêm Pháp cũng không phải vấn đề quá lớn.
Ông Putin (trái) và bà Merkel - Ảnh: Reuters

Trong lúc các vướng mắc xung quanh lệnh cấm vận của EU không có dấu hiệu tiến triển, Nga tỏ rõ quyết tâm đi tìm thị trường tiêu thụ khí đốt mới.

Hôm 10.12, Tổng thống Putin đã thăm Ấn Độ, qua đó tuyên bố tham vọng chiếm lĩnh thị trường năng lượng châu Á. Mặt khác, The Moscow Times cho biết Nga đã thông qua quyết định tăng 30% chi tiêu cho quân sự vào năm sau.

Những biểu hiện này cho thấy, Nga đã chuẩn bị cho một cuộc sống “không phương Tây”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.