Nga tăng lãi suất cơ bản lên 21%, mức cao nhất trong hơn 2 thập niên

Khánh An
Khánh An
26/10/2024 18:24 GMT+7

Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất cơ bản lên mức kỷ lục kể từ năm 2003 và có thể còn tăng thêm, sau khi lạm phát không có dấu hiệu chững lại.

Nga tăng lãi suất cơ bản lên 21%, mức cao nhất trong hơn 2 thập niên- Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết việc tăng lãi suất là cần thiết để chống lạm phát hiện ở mức 8,4%

ẢNH: REUTERS

Ngân hàng Trung ương Nga hôm 25.10 nâng lãi suất cơ bản thêm 200 điểm cơ bản, lên mức 21% và là mức cao nhất kể từ những năm đầu khi ông Vladimir Putin lên làm tổng thống.

Động thái này, chịu tác động bởi sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu của nhà nước, đặc biệt là cho quân đội, cũng đưa lãi suất cơ bản lên cao hơn thời điểm thị trường bị ảnh hưởng khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2.2022, theo Reuters.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết việc tăng lãi suất là cần thiết để chống lạm phát, hiện ở mức 8,4%. "Cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu và giảm kỳ vọng lạm phát", ngân hàng này cho biết.

Ngân hàng cho biết có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa tại cuộc họp chính sách tiếp theo và cập nhật dự báo lạm phát năm 2025 lên 4,5-5,0%, báo hiệu rằng mục tiêu chính sách 4% của họ đã nằm ngoài tầm với vào năm tới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina phát biểu tại một cuộc họp báo rằng "không có giới hạn" cho mức lãi suất chính.

"Ngân hàng trung ương thừa nhận rằng họ sẽ không thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu vào năm tới", nhà kinh tế học Evgeny Kogan cho biết và gọi động thái này là "sự đầu hàng trước lạm phát".

Nga sẵn sàng sử dụng tiền điện tử trong thương mại quốc tế

Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2000, ông Putin đã đưa ra các cải cách để ổn định nền kinh tế Nga sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, cho phép ngân hàng trung ương đưa lãi suất tái cấp vốn xuống dưới 20% vào tháng 2.2003 và duy trì ở mức dưới mức đó suốt nhiều năm.

Điểm yếu hiện tại của đồng tiền Nga, với tỷ giá hối đoái chính thức so với USD giảm hơn 12% kể từ đầu tháng 8, cũng được các nhà phân tích coi là một yếu tố lạm phát mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.