Nga thiệt hại ít hơn những nước đã đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế

18/06/2017 16:15 GMT+7

Nga đã mất khoảng 50 tỉ USD do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng con số này vẫn ít hơn so với những quốc gia đã đưa ra lệnh cấm.

Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp chế tài kinh tế đối với Nga đã khiến GDP của nước này giảm 1%. Tuy nhiên, trong khi Nga bị mất khoảng 50 - 52 tỉ USD theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, thì các nước đã thiết lập lệnh phong tỏa kinh tế cũng không tránh khỏi tổn thất. Họ thậm chí còn phải chịu thiệt hại nhiều hơn cả Nga, với hao tổn vào khoảng 100 tỉ USD.
“Điều gì đã xảy ra cho chúng ta với những hình phạt kinh tế này? Chúng ta có bị ảnh hưởng không? Có, chúng ta có bị ảnh hưởng, đó là điều tất yếu. Nhưng nếu cho rằng Nga đã bị tổn thất nặng nề hơn so với phương Tây thì tôi không nghĩ thế. Các biện pháp chế tài là con dao hai lưỡi, và trên thực tế chúng đã gây ra thiệt hại nhiều hơn cho chính những người sử dụng chúng”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc họp gần đây.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng sự sụt giảm trong GDP của Nga không hoàn toàn do các lệnh trừng phạt, bên cạnh đó còn do xu hướng đi xuống trên toàn cầu đối với các mặt hàng từ dầu mỏ, khí đốt, luyện kim và công nghệ hóa chất, những ngành vốn được xem là thế mạnh của Nga.
Theo hãng thông tấn Sputnik, Tổng thống Putin cho biết rằng, nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp gây hạn chế kinh tế thì Moscow cũng sẽ sẵn sàng mở rộng giao thương. “Nếu họ tháo gỡ các biện pháp chế tài đối với nền kinh tế của chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ mở rộng quan hệ đối tác với họ. Nếu không nhiều khả năng Nga sẽ phải đối mặt với các vấn đề trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, ông Putin nói.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây tan vỡ kể từ sau khi Crimea sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Tuy nhiên, kết quả này đã gây phẫn nộ cho các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cũng như các nước đồng minh. Các quốc gia này ngay sau đó đã đưa ra hàng loạt biện pháp chế tài kinh tế để trừng phạt Moscow, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đồng thời khiến lạm phát tại Nga tăng cao.
“Chúng tôi đã bị hạn chế đáng kể lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp. Trong khi sản lượng sản xuất trong nước vào thời điểm đó không đủ cho người tiêu dùng”, Tổng thống Putin cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.