(Tin Nóng) Ngày 23.8, Trung tâm hạt nhân liên bang ở thành phố Sarov đã vận chuyển một bản sao quả “bom vua hạt nhân” AN602 đến Trung tâm triển lãm Manezh ở Moscow, nơi quả bom này sẽ ra mắt công chúng từ ngày 1 - 26.9.2015 nhân kỷ niệm 70 năm ngày công nghiệp hạt nhân của Nga.
Quả bom vua (chỉ phần vỏ) được đưa đến trung tâm triển lãm Manezh ở Moscow ngày 23.8.2015 - Ảnh: RG
|
Theo trang tin RG (Nga) ngày 23.8, đây là bản sao của quả "bom vua hạt nhân" nổi tiếng được mệnh danh là Tsar Bomba, được Liên Xô cho nổ thử nghiệm ngày 30.10.1961 khiến thế giới phải bàng hoàng về sức công phá khủng khiếp của nó: 57 MT (megaton, tức tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 3.600 lần quả bom nguyên tử Little Boy mà Mỹ ném xuống Hiroshima).
Thực ra Liên Xô có ý định thử nghiệm quả bom đến 100 MT, tuy nhiên quả bom AN602 tuy chỉ có sức công phá bằng hơn 50% dự định cũng đã chứng tỏ nó là vua của các loại bom.
Vụ thử nghiệm quả bom vua hạt nhân này diễn ra ngày 30.10.1961 ở khu vực bờ biển phía tây của vịnh Mityushikha, quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Cực thuộc Nga. Một oanh tạc cơ Tu-95B mang quả bom vua nặng 26 tấn này đã thả bom từ độ cao 10.500 m, có dù hãm tốc độ rơi để máy bay còn kịp bay thoát khỏi khu vực nổ bom.
Chỉ trong vòng 3 phút sau khi thả, quả bom phát nổ ở độ cao 3.700 - 4.500 m, hai máy bay tham gia thử nghiệm là chiếc Tu-95B và 1 chiếc Tu-16A kịp bay thoát khỏi nơi nổ bom ở khoảng cách 39 km với chiếc Tu-95B và 54 km (Tu-16A). Tuy nhiên sức nóng từ vụ nổ khiến lớp sơn phản quang trên thân 2 máy bay tan chảy, chiếc Tu-95 bị rơi tự do xuống gần 1 km trước khi phi công điều khiển được.
Quả bom tạo ra một quả cầu lửa chói loà có đường kính gần 8 km và một đám mây hình nấm cao 72 km, vào tận tầng bình lưu, gây ra chấn động mạnh 5 độ Richter. Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy từ xa 1.000 km, các sóng xung kích từ vụ nổ đã lan đi vòng quanh trái đất ba lần, làm nứt cửa sổ của một số nhà cửa ở Na Uy và Phần Lan cách đó 900 km. Còn các tòa nhà tại thị trấn bị bỏ hoang Severny ở bãi thử nghiệm đều bị san bằng trong phạm vi 55 km.
Các máy móc đo đạc ghi nhận vụ nổ mạnh tương đương 51,5 - 57 MT (có tài liệu nói đến 58,6 MT).
Máy bay Tu-95 thả thử nghiệm quả “vua bom hạt nhân” tháng 10.1961 - Ảnh: tư liệu
|
Quả cầu lửa khổng lồ đường kính 8 km tạo ra từ vụ nổ quả bom vua của Liên Xô - Ảnh: Youtube
|
Nơi thử nghiệm quả bom vua của Liên Xô
|
Quả bom này là nằm trong dự án chế tạo bom hạt nhân giai đoạn 1954 - 1961, do Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Igor Kurchatov và Viện sĩ Andrei Sakharov chủ trì.
Việc cho nổ thử nghiệm quả bom này trước đó được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev thông báo tại ngày khai mạc Đại hội lần XXII Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 17.10.1961.
Quan sát buổi thử nghiệm quả bom vua này có nguyên soái Moskalenko - tổng chỉ huy lực lượng tên lửa - từ trên một máy bay Il-14. Khi vụ nổ xảy ra, sức chấn động của nó làm hư hại ion trong khí quyển, gây gián đoạn thông tin liên lạc vô tuyến của các máy bay lẫn tàu chiến. Nhưng ngay khi việc liên lạc được phục hồi, nguyên soái Moskalenko nhanh chóng gửi một bức điện đến Tổng bí thư Khrushchev: "Điện Kremlin, Moscow. Nikita Khrushchev. Cuộc thử nghiệm ở Novaya Zemlya đã thành công. Máy bay và tất cả những người tham gia thử nghiệm đã hoàn thành các nhiệm vụ. Chúng tôi đang quay về đại hội. Moskalenko, 30.10.1961”.
Ngày nay tại hai bảo tàng ở Sarov và Snezhinsk còn lưu giữ 2 quả bom vua này, tất nhiên là không có chất nổ và bộ phận điều khiển.
Lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev, năm 1959 từng tuyên bố với Richard Nixon (sau là tổng thống Mỹ) rằng: "Chúng tôi có các khả năng sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ cho bạn thấy quả bom vua”. Nay quả bom vua này được trưng bày trước công chúng từ 1 - 26.9.2015 ở Moscow - Ảnh: Truyền hình quân đội Nga
|
Báo RG giải thích rằng lý do trưng bày quả bom vua hạt nhân này sau khi đã kết thúc Chiến tranh lạnh là nhằm kỷ niệm 70 năm ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, và cũng để cho thế hệ hiện tại có thể sờ mó, ngắm nhìn quả bom “khủng” này để biết “vua bom” là có thật, không phải là chuyện hư cấu.
|
Anh Sơn
>> Mỹ từng muốn dội xuống Nhật thêm 13 quả bom nguyên tử
>> B-29, loại máy bay ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản
>> Số phận con tàu chở 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản
>> Liên Xô thử quả ‘bom vua’ hạt nhân như thế nào
>> Phi công phụ kể lại chiến dịch tuyệt mật ném bom nguyên tử xuống Nhật
Bình luận (0)