Nga, Trung Quốc đang hợp sức đối phó Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương?

Văn Khoa
Văn Khoa
24/03/2021 16:38 GMT+7

Một số chuyên gia cho rằng các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương cho thấy Nga và Trung Quốc đang hợp sức chống Mỹ, trong khi một số nhà quan sát khác xem sự hợp tác đó chỉ mang tính biểu tượng.

Chỉ vài ngày sau khi phái đoàn Mỹ và Trung Quốc có cuộc khẩu chiến và không có đột phá trong cuộc hội đàm ở bang Alaska, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến thăm Trung Quốc và hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thành phố Quế Lâm ngày 23.3, ông Lavrov nhấn mạnh Moscow và Bắc Kinh không hài lòng với hành vi của Mỹ, theo hãng tin TASS. Ông Lavrov còn nói rằng Nga và Trung Quốc xem các lệnh cấm vận của phương Tây nhắm vào 2 nước này là không thể chấp nhận.
Sau cuộc gặp, hai bên còn ra tuyên bố chung kêu gọi các nước khác không can thiệp vào nội bộ của Nga và Trung Quốc sau khi hai nước này hứng phải một số lệnh cấm vận từ Mỹ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc gặp ở thành phố Quế Lâm ngày 23.3

Reuters

Ngoài hoạt động ngoại giao cho thấy Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau, một số nhà quan sát cho rằng hai nước cũng gia tăng hoạt động quân sự cùng nhau.
Trong bài phân tích đăng trên trang web của Viện nghiên cứu lowy (Úc), nhà nghiên cứu Oriana Skylar Mastro tại Viện nghiên cứu quốc tế FSI thuộc Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng hai cuộc tập trận hải quân trong thời gian gần đây cho thấy tiềm năng về hợp tác Nga-Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương và hai nước trở thành mối đe dọa đối với vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực lớn hơn so với mối đe dọa chỉ từ Nga hoặc Trung Quốc.
Bà Mastro chỉ ra Nam Phi đã tổ chức cuộc tập trận trên biển với Nga và Trung Quốc mang tên Mosi vào tháng 11.2019, đánh dấu cuộc tập trận chung 3 bên đầu tiên giữa 3 nước. Theo Hải quân Nam Phi, cuộc tập trận Mosi được thiết kế nhằm nâng cao sự phối hợp và an ninh biển và cho thấy 3 nước sẵn sàng làm việc cùng nhau để đối phó các mối đe dọa an ninh trên biển.
Đến tháng 12.2019, Nga và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận 3 bên với Iran ở vịnh Oman, được gọi là vành đai an ninh biển. “Cuộc diễn tập hải quân này nhằm thắt chặt trao đổi và hợp tác giữa hải quân của 3 nước và thể hiện ý chí mạnh mẽ và khả năng của họ cùng duy trì hòa bình thế giới và an ninh hàng hải”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm khẳng định, theo Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN).

'Đáng chú ý'

Hai cuộc tập trận 3 bên như trên đáng chú ý vì chúng cho thấy Moscow và Bắc Kinh mong muốn hợp tác ở khu vực, theo nhà phân tích Mastro. Ngoài ra, những cuộc tập trận này còn cho thấy các nước khu vực như Nam Phi và Iran hoan nghênh vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Nga.
Ngoài hai cuộc tập trận chung, cả Trung Quốc và Nga dần dần gia tăng sự hiện diện của họ ở khu vực Ấn Độ Dương. Hồi tháng 11.2020, Nga thông báo sẽ thiết lập một cơ sở hải quân ở cảng Sudan trên Biển Đỏ. Trung Quốc cũng đã mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti vào năm 2017 và hải quân Trung Quốc đã gia tăng hoạt động ở Ấn Độ Dương trong 3 thập niên qua.
Với xu hướng như trên, Nga và Trung Quốc đang có lợi thế để cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương về tầm ảnh hưởng và nhiều lý do khác. Bà Mastro cho rằng Moscow có thể sẵn sàng hơn so với Bắc Kinh trong việc giữ vai trò dẫn đầu về việc đối đầu với Mỹ, nhưng không có trọng lượng kinh tế để tạo ra sự hợp tác có lợi cho các quốc gia ở Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Trung Quốc tuy có nguồn lực kinh tế đáng kể để tạo ảnh hưởng và đầu tư mạnh ở các nước trong khu vực Ấn Độ Dương, nhưng lại quan ngại về việc khiêu khích Mỹ và nguy cơ quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi ở Brasilia hồi tháng 11.2019

Kremlin.ru

Cũng theo nhà nghiên cứu Mastro, tuy Nga và Trung Quốc hiện chưa thống trị khu vực Ấn Độ Dương về mặt quân sự, nhưng tầm ảnh hưởng kết hợp của hai nước có thể mang lại rắc rối cho Mỹ và các đồng minh. “Dù có hơi phóng đại, nhưng có một sự thật trong tuyên bố của đô đốc Iran Hossein Khanzadi rằng sự phối hợp chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đồng nghĩa thời kỳ Mỹ tự do hành động ở khu vực đã kết thúc”, bà Mastro nhận định.

'Mang tính biểu tượng hơn là thực chất'

Trong khi đó, một số nhà quan sát khác cho rằng hầu hết các dạng hợp tác giữa Nga và Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng. Trong đó, chuyên gia về chính sách của Trung Quốc Chu Chí Quân thuộc Đại học Bucknell (Mỹ) cho rằng sự kết hợp giữa Moscow và Bắc Kinh trong các cuộc tập trận chung chủ yếu nhằm đáp lại việc Mỹ gia tăng hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và “mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất”, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ông Chu còn cho rằng Nga và Trung Quốc có thể là đối tác ngoại giao và chính trị của nhau, nhưng “khó là đồng minh chiến lược”. Ông chỉ ra Nga không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và eo biển Đài Loan, và khó có thể mong Moscow hỗ trợ Bắc Kinh nếu Trung Quốc có cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Bắc Kinh thì không hoan nghênh việc Nga thắt chặt quan hệ quân sự với Ấn Độ. “Không nên phóng đại mức độ gần gũi của mối quan hệ Trung-Nga hiện nay”, ông Chu kêu gọi.
Tương tự, nhà phân tích quân sự Derek Grossman thuộc tổ chức Rand Corporation (Mỹ) cũng nghi ngờ về mọi hình thức hợp tác an ninh Trung Quốc-Nga ở khu vực Ấn Độ Dương. Ông Grossman cho rằng các cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước này chủ yếu mang tính biểu tượng và không gặt hái được nhiều về mặt trao đổi chiến thuật và kỹ thuật trong việc nâng cao khả năng phối hợp, theo SCMP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.