(TNO) Hy Lạp - nước đứng trước bờ vực vỡ nợ và Nga - quốc gia đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây hiện có nhiều điểm chung để cùng bắt tay, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế.
Hy Lạp và Nga sẽ chung tay vượt khó? - Ảnh: Shutterstock
|
Bloomberg và Russia Today đưa tin trong bối cảnh các cuộc đàm phán quyết định tình hình tài chính Hy Lạp trong tuần này vẫn chưa kết thúc, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có lịch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19.6 tới đây. Dự kiến, hai nguyên thủ sẽ gặp gỡ tại một diễn đàn kinh tế tổ chức ở St. Petersburg (Nga).
Nếu đúng như kế hoạch, đây sẽ là lần thứ hai trong vòng chưa tròn một năm cầm quyền, Thủ tướng Hy Lạp trực tiếp gặp Tổng thống Nga. Lần trước, hội đàm giữa hai nguyên thủ tại thủ đô Nga vào tháng 4 đã đi đến một thỏa thuận khí đốt mà Wahsington cật lực chỉ trích.
Nga - lá bài tài chính cuối cùng của Hy Lạp
CNN cho rằng cả hai quốc gia châu Âu trên đang có cùng điểm chung lớn: một hạn chót quyết định cận kề ngay trong tháng này.
Đối với Hy Lạp, đó là hạn trả nợ 1,6 tỉ EUR cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30.6. Bàn đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ nước ngoài ngày càng nóng lên vì Athens cần có thỏa thuận giải ngân gói cứu trợ ngay trong tuần này. Với nước Nga, đó là cuộc họp quyết định việc dỡ bỏ hay tiếp tục lệnh trừng phạt của 28 nước châu Âu trong tuần tới.
Ngoài yếu tố này, Nga và Hy Lạp cũng chia sẻ quan hệ sâu sắc từ văn hóa, tôn giáo đến kinh tế.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19.6 - Ảnh: Reuters
|
Mỗi năm, một số lượng lớn du khách Nga đến thăm Hy Lạp. Moscow cũng đã hứa sẽ để thị trường Nga nhập lại cá, sữa và sản phẩm từ thịt có xuất xứ từ quốc gia thuộc bán đảo Balkan. Đến nay, nhà chức trách Nga đã cấp phép cho một số mặt hàng nhập khẩu, mở cửa thị trường ở mức độ nhất định. Đây là tin vui đối với nông dân Hy Lạp và người tiêu dùng Nga.
Ngoài nông nghiệp, đường ống dẫn khí đốt mới của Nga, dự kiến mở từ tháng 12.2016, cũng sẽ đi qua lãnh thổ Hy Lạp trước khi cung cấp cho người tiêu dùng Tây Âu. Điều này mang lại năng lượng giá rẻ cho Athens và cũng tạo điều kiện cho Moscow tránh lãnh thổ Ukraine - đất nước đang có căng thẳng ở miền đông.
Trong bối cảnh tình hình tài chính Nga có vẻ ổn định trở lại và ngân hàng trung ương Nga tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tuần này, một nhà ngoại giao phương Tây cho hay Nga có thể là lá bài cuối cùng nằm trong tay Hy Lạp, nếu chính phủ Athens muốn tránh vỡ nợ vào cuối tháng này.
Hy Lạp sẽ ngả về Nga không chỉ vì kinh tế?
Khi châu Âu và Mỹ không thôi căng thẳng với Nga vì vấn đề xung đột ở Ukraine, quan hệ Hy Lạp - Nga trong lĩnh vực kinh tế khiến Berlin và Wahsington chú ý.
Bloomberg cho rằng việc Đức và Mỹ theo sát quan hệ Moscow - Athens là có cơ sở. Đặc biệt, khi bức tượng đồng của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đặt giữa đường phố Athens nhắc nhở về vị trí địa lý của nước này.
Thời hậu Thế chiến thứ hai, Hy Lạp như một bức tường thành chiến lược cho Mỹ và châu Âu.
Hai nguyên thủ tại điện Kremlin, Moscow (Nga) hôm 8.4 - Ảnh: Reuters
|
Eirini Karamouzi, giảng viên lịch sử đương đại tại Đại học Sheffield, tác giả quyển sách về quan hệ giữa Hy Lạp và châu Âu trong thời gian Chiến tranh lạnh, nói: “Tiềm năng địa chính trị của Hy Lạp đã được sử dụng như một lời hứa hẹn, nhưng chủ yếu là mối đe dọa. Luôn có một mối đe dọa có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ nếu Hy Lạp tự đứng bằng chính quyết định của nước này, hoặc tệ hơn, trở thành quốc gia thất bại trong sân sau của châu Âu”.
Hiện tại, vị trí của Hy Lạp càng quan trọng khi Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã mạnh lên ở phía nam và đông, còn Nga thì bị cho là đang lấn chiếm ở phía bắc.
Điều này có thể lý giải cho việc dù nhiều lần bế tắc, thậm chí mâu thuẫn gay gắt trên bàn đàm phán, các chủ nợ châu Âu vẫn thể hiện mong muốn giữ chân Hy Lạp trong Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Hồi tháng 3, sau cuộc gặp đầu tiên với ông Tsipras, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói: “Chúng tôi có những thách thức địa chính trị cần được giải quyết. Nỗ lực hòa bình lớn cần được gìn giữ qua mỗi thế hệ chính trị”.
Lời nói của bà Merkel gợi nhớ những gì Tổng thống Mỹ Harry S. Truman từng tuyên bố trước Quốc hội vào năm 1947. Khi đó, ông Truman chấp nhận viện trợ kinh tế và quân sự cho Athens nhằm ngăn nước này rơi vào ảnh hưởng của Liên Xô ngay tại thời điểm Hy Lạp xảy ra nội chiến năm 1946 - 1949.
Kết quả: tiền hỗ trợ cho 4 năm tăng trưởng thông qua Học thuyết Truman và Kế hoạch Marshall chảy vào Hy Lạp. Nước này gia nhập NATO vào năm 1952, ba năm trước cả Cộng hòa liên bang Đức và cùng lúc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1981, Hy Lạp tiếp tục là thành viên thứ 10 của tổ chức tiền thân Liên minh châu Âu (EU). Quốc gia kề Địa Trung Hải được công nhận là thành viên dù không hề có chung đoạn biên giới với các thành viên khác của tổ chức tiền thân EU trong 26 năm liền, trước khi Bulgaria chính thức được kết nạp.
Bloomberg nhận định các yếu tố trên cho thấy Hy Lạp hiện xứng đáng với vài tỉ USD mà nước này đang rất cần để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2010. Giải quyết khủng hoảng nợ ở Hy Lạp có thể không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế trong khu vực eurozone.
Bình luận (0)