Những cái chết ở Unit 3377
Vào ngày 3/8, anh lính Ivan Shinkaryov đã tự chĩa súng vào ngực và siết cò. Quân đội Nga lại có thêm một binh sĩ nữa thiệt mạng trong một sự cố phi chiến trường. Đó là điều đáng buồn, nhưng đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ mà hãng tin Reuters có được thì mỗi năm quân đội Nga có ít nhất 1.000 lính nghĩa vụ chết lãng nhách như trên. Còn theo tổ chức phi chính phủ Quyền của các bà mẹ, con số binh sĩ thiệt mạng vì những nguyên nhân "ngoài chiến đấu" mỗi năm lên tới 3.000. Tuy nhiên, trường hợp của Shinkaryov được chú ý hơn những người kia bởi anh ta là thành viên của lực lượng đặc biệt mang tên Unit 3377.
Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Unit 3377 và những lực lượng khác trong quân đội Nga? Đó chính là vì lực lượng này giữ nhiệm vụ canh gác một cơ sở sản xuất plutonium ở cấp độ có thể dùng để chế tạo vũ khí và quản lý hàng tấn chất thải phóng xạ của quân đội Nga. Cơ sở này được đặt tại thành phố Zheleznogorsk nằm sâu trong một khu rừng Taiga ở Siberia. Cái chết của Shinkaryov vì thế đã gióng lên một hồi chuông báo động tại Nga và khiến cả thế giới lo ngại về năng lực bảo vệ các cơ sở hạt nhân của quân đội nước này. Từ cái chết trên, người ta đã tiến hành điều tra và phát hiện rằng, đây không phải là trường hợp đầu tiên tự sát tại Unit 3377. Cụ thể là trong 8 năm qua, 17 lính nghĩa vụ của đơn vị này đã chết. Phần lớn tự tìm đến cái chết, như trường hợp của Shinkaryov. Một số khác bị bắn gục bởi chính đồng đội của mình, chết do tai nạn liên quan đến súng ống hoặc bị đánh đập.
Một số thành viên của Unit 3377 đã kể về nạn "ma cũ bắt nạt ma mới" ở đơn vị này, một thực trạng đã trở thành truyền thống và được các thành viên tại đây gọi là "dedovshchina". Trong khi các sĩ quan cho rằng những vấn đề trên không tạo ra mối đe dọa an ninh nào thì những người ngoài cuộc lo lắng thực sự. Các nhà phân tích an ninh cho rằng không nên để một đơn vị có quá nhiều vấn đề như Unit 3377 canh giữ một cơ sở hạt nhân. Vì rằng, các cơ sở hạt nhân hiện nay là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các mạng lưới khủng bố quốc tế.
Lối vào thành phố bí mật
Thành phố Zheleznogorsk ở vùng Siberia, nơi lực lượng Unit 3377 của Shinkaryov làm nhiệm vụ, là một "thành phố đóng cửa". Được thành lập từ năm 1950 dưới thời Joseph Stalin, Zheleznogorsk được biết đến với mật danh Krasnoyarsk-26 vì nhà chức trách muốn giữ bí mật về thành phố này.
Zheleznogorsk được bao bọc bởi hệ thống hàng rào "bất khả xâm phạm" và 100.000 cư dân tại đây muốn ra vào thành phố đều phải đi qua trạm kiểm soát.
Sở dĩ Zheleznogorsk bị phong tỏa bởi thành phố này là nơi đặt một trong những cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của Liên bang Xô Viết trước đây và Nga hiện nay. Ở nước Nga, hiện có hàng chục thành phố đóng cửa kiểu như Zheleznogorsk. Trung tâm phản ứng hạt nhân được đặt trong một ngọn núi nằm kế bên thành phố. Theo các chuyên gia, lò phản ứng tại đây có thể sản xuất plutonium ở cấp độ có thể sử dụng cho vũ khí hủy diệt. Kho chứa chất thải phóng xạ cũng được đặt trong các tòa nhà nằm trong khu tinh chế plutonium.
Cơ sở này được coi là "bất khả xâm phạm" đối với người ngoài cuộc. Vasily Panchenkov, Giám đốc cơ quan báo chí Bộ Nội vụ Nga, nói rằng nơi đây được bảo vệ hết sức chặt chẽ. "Lính của chúng tôi canh gác vòng ngoài. Trung tâm nguyên tử được một lực lượng khác đảm trách", ông Panchenkov tuyên bố với một niềm tin không lay chuyển lộ rõ trên khuôn mặt và trong giọng nói. Rõ ràng, với tầng tầng lớp lớp hàng rào người xen kẽ hệ thống kẽm gai, tường bê tông và hào sâu, cơ sở hạt nhân Zheleznogorsk có vẻ như đã được khoác một tấm áo giáp an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, Tổ chức Hòa Bình Xanh không tin như vậy. Ông Vladimir Tchouprov - Giám đốc cơ quan năng lượng Hòa Bình Xanh tại Nga kể rằng vào năm 2002, lính của mình đã đến Zheleznogorsk và thử đột nhập vào cơ sở hạt nhân này. Vụ đột nhập đã diễn ra trót lọt mà không gặp trở ngại nào. Người của Hòa Bình Xanh, sau một vài thủ thuật đơn giản, đã áp bụng lên mái nhà kho chứa chất thải phóng xạ. Thử tưởng tượng xem, nếu kẻ đột nhập là thành viên của một mạng lưới khủng bố thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng đến mức nào.
Sau lần bị chơi khăm đó, nhà chức trách đã xây một hàng rào bê tông nữa. Tuy nhiên, Tchouprov lại cười khẩy vào nỗ lực trên: "Thật là ngu ngốc nếu cho rằng rào chắn có thể ngăn chặn được những kẻ cố ý muốn cho cơ sở này nổ tung".
Cả hệ thống bất ổn
Bà Alla Safonova, lãnh đạo chi nhánh của tổ chức Ủy ban những bà mẹ binh sĩ Nga, cho biết 900 lính đặc biệt của Unit 3377 phải đi vệ sinh tại những cái hố đào trên nền đất. Năm ngày sau vụ tự tử của Shinkaryov, một sự việc không hay khác lại xảy ra tại đơn vị này. Anh lính Dmitry Krupkin, 19 tuổi, đã nhảy lầu tự tử sau khi bị đồng đội bắt "đóng thuế" 3.000 rúp (hơn 100 USD). Anh này không chết nhưng bị thương đốt sống. Có lẽ đây là một trong những cách mà các tân binh yếu thế thực hiện để được rời quân ngũ một cách hợp pháp. Bà Safonova còn cho biết từ tháng 5 đến nay, ít nhất đã có 12 binh sĩ thuộc Unit 3377 được trả về do gặp trục trặc tâm lý.
...cùng hệ thống vũ khí hạt nhân của Nga. Ảnh: VOLTAIRENET.ORG |
Những gì xảy ra tại Unit 3377 rất đáng báo động. Nhưng thực tế cho thấy tình trạng vô kỷ luật và sự nhếch nhác không chỉ phổ biến tại Unit 3377 mà hầu như có mặt khắp nơi trong quân đội Nga. Theo các nhà phân tích, tình trạng vô kỷ luật trong quân đội Nga xuất phát từ thực tế là ngày càng có nhiều gia đình giàu có tìm cách đút lót cho các sĩ quan phụ trách tuyển quân để cho con em mình được ở nhà. Những sĩ quan nhận hối lộ này sau đó tìm cách "điền vào chỗ trống" bằng cách tuyển quân vô tội vạ. Điều này dẫn tới việc quân đội Nga ngày càng có nhiều bợm nhậu, lính ốm yếu, thiếu trình độ học vấn và tư cách đạo đức kém. Tình trạng vô kỷ luật nảy nở từ thực tế trên.
Những người chỉ trích cho rằng việc để một lực lượng thiếu kỷ luật như Unit 3377 canh giữ cơ sở hạt nhân Zheleznogorsk là một sai lầm có thể dẫn tới những nguy cơ to lớn về an ninh. Và thực tế cho thấy vấn đề dường như đã vượt quá mức độ "nguy cơ".
Sự rò rỉ chết người
Các cơ sở hạt nhân của Nga luôn là chủ đề đáng quan tâm trong suốt 15 năm qua, theo nhận định của chuyên gia chống khủng bố Matthew Bunn thuộc Đại học Harvard và Daryl Kimball, Chủ tịch Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ.
"Dưới thời kỳ Xô Viết, lực lượng KGB bảo vệ rất chặt chẽ các cơ sở hạt nhân. Nhưng sau khi liên bang này tan rã, năng lực bảo vệ những nơi này của chính phủ Nga cùng một số quốc gia mới tách ra từ Liên Xô đã không còn được như xưa", chuyên gia Kimball nhận xét. Trong vài năm gần đây, các chuyên gia chống khủng bố quốc tế lo ngại rằng các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) và Pakistan có thể trở thành mục tiêu trộm cắp của các tổ chức khủng bố. Vào năm 2001, một nguồn tin của CIA cho biết mạng lưới al-Qaeda đã "chạm tay vào một loại vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã không được chứng minh.
Theo các chuyên gia, khả năng cao nhất hiện nay là việc lực lượng khủng bố ăn cắp chất thải phóng xạ, uranium làm nghèo... Dù không nguy hiểm như uranium hoặc plutonium đã được tinh chế, nhưng những chất này vẫn có thể được dùng để chế tạo các loại bom nguy hiểm mà một khi phát nổ chúng có thể giết chết hàng ngàn người trong nháy mắt. Thông tin tình báo từ Pakistan, Mỹ và Anh còn cho biết các loại chất phóng xạ "cấp thấp" đã được các nhóm ly khai tại Chechnya tuồn ra nước ngoài và có thể đã ở trong tầm tay của al-Qaeda hoặc đang trên đường đến với tổ chức khủng bố nguy hiểm này. Từ những chất liệu có được, al-Qaeda có thể thông qua sự giúp đỡ của các nhà khoa học cực đoan để tạo ra vũ khí giết người hàng loạt.
Đỗ Hùng
(Reuters, The Australian, VOA)
Bình luận (0)