Ngắc ngoải tuyển sinh: ‘Chết’ vì... tắc liên thông

19/03/2014 10:13 GMT+7

Hàng loạt nguyên nhân các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp ở Đà Nẵng đóng cửa được nêu lên, nổi bật trong số này xuất phát từ thông tư 55 của Bộ GD-ĐT.

Ngắc ngoải tuyển sinh: ‘Chết’ vì... tắc liên thông
Trường CĐ Việt Tiến năm 2013 gặp khó khăn trong việc tuyển sinh - Ảnh: Diệu Hiền

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, bên cạnh nguyên nhân thí sinh coi thường bậc CĐ, THCN, còn có lỗi ở các trường THPT, cũng như các trường CĐ, TCCN vì chưa tư vấn một cách kỹ lưỡng cho học sinh, để có sự phân luồng thí sinh một cách hữu hiệu. Dẫn đến tình trạng học sinh thiếu định hướng khi lựa chọn bậc học phù hợp với năng lực của mình. Đặc biệt, theo bà Trần Thị Ngọc Hoa, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng, sự ra đời thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về việc quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ là một trong những yếu tố tác động lớn đến việc lựa chọn bậc học của thí sinh. “Có rất nhiều em lựa chọn học nghề, học CĐ để sau đó liên thông lên ĐH, với nguyện vọng có bằng ĐH. Nhưng việc “thắt chặt” đào tạo bậc liên thông, khiến nhiều TS quay lưng với bậc học CĐ, TCCN!”, bà Hoa phát biểu. Cùng với thông tư 55, việc nở rộ các trường ĐH đa ngành nghề, đã lấy đi hết số thí sinh của các trường CĐ, TCCN. Không chỉ vậy, các trường CĐ, TCCN thiếu sự linh hoạt trong việc mở các ngành nghề đào tạo thích ứng với nhu cầu thị trường cũng là một trong những nguyên nhân không thu hút thí sinh dự tuyển.

Muốn “sống” phải làm gì?

Để tạo điều kiện cho các trường CĐ, TCCN có thêm nhiều cơ hội tuyển sinh trong năm 2014, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GDCN - GDTX (Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng) cho hay, sở đã giúp các trường CĐ, TCCN tổ chức nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh để có thể tiếp cận được thí sinh. “Chúng tôi tổ chức tư vấn tuyển sinh ở 15 điểm để các trường này giới thiệu cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường với các em học sinh đang cân nhắc, lựa chọn ngành học. Đồng thời, đề xuất giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường; cũng như đề xuất các trường mở các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu người học cũng như nhu cầu nhân lực thực tế của xã hội. Ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, về phía các trường THPT, sở cũng đề nghị giáo viên tư vấn cho học sinh trong việc chọn lựa bậc học đúng năng lực, sở trường của mình. “Theo kinh nghiệm tuyển sinh của trường mình, chúng tôi không chỉ tư vấn trực tiếp đến thí sinh; mở thêm những chuyên ngành mới phù hợp với nhu cầu thị trường, mà trường cũng linh hoạt, tổ chức nhiều hoạt động để mở ra lựa chọn cho thí sinh. Bên cạnh việc xét tuyển, chúng tôi cũng tổ chức thi tuyển để tạo thêm cơ hội cho thí sinh”, bà Trần Thị Ngọc Hoa chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh của mình.

Ông Trần Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đức Minh chia sẻ: “Các trường muốn “sống” được hay không phải chú ý đến chất lượng. Trong đào tạo, các trường CĐ, TCCN phải đặc biệt coi trọng mặt thực hành. Trường TCCN, CĐ hay thậm chí ĐH muốn tồn tại, muốn tốt phải có sự kết hợp với cơ sở sản xuất, thì đầu ra của sinh viên mới được giải quyết tốt, mới thu hút được thí sinh tham gia dự tuyển”.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.