'Ngại' Việt Nam, Indonesia mở toang cửa đón đầu tư

24/02/2016 06:13 GMT+7

Indonesia tăng tốc mở cửa thị trường để tăng sức cạnh tranh trước những bước tiến nhanh của VN trong quá trình hội nhập.

Indonesia tăng tốc mở cửa thị trường để tăng sức cạnh tranh trước những bước tiến nhanh của VN trong quá trình hội nhập.

Lĩnh vực hạ tầng giao thông được Indonesia mở cửa cho đầu tư nước ngoài - Ảnh: ReutersLĩnh vực hạ tầng giao thông được Indonesia mở cửa cho đầu tư nước ngoài - Ảnh: Reuters
Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhằm vực dậy nền kinh tế đang có dấu hiệu chựng lại, chính phủ Indonesia dự tính sẽ nới “room” ngoại lên mức tối đa trong hàng loạt lĩnh vực, từ đường sá có thu phí đến rạp chiếu phim.
Dự kiến từ cuối tháng 2, nước này cũng sẽ cho phép giới đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% đối với những ngành như bảo quản đông lạnh, sản xuất nguyên liệu dược phẩm và nhà hàng, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Darmin Nasution cho biết.
Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn Reuters mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ cũng sẽ nới lỏng quy định về sở hữu và góp vốn từ nước ngoài ở khắp các ngành nghề, đặc biệt là thương mại điện tử, dịch vụ y tế và công nghiệp sáng tạo. “Có 49 phân ngành sẽ được điều chỉnh quy định nên theo tôi, đây là một sự thay đổi lớn”, ông Widodo nói.
Indonesia đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu cũng như tạo thêm việc làm trong bối cảnh kinh tế năm 2015 chỉ tăng trưởng 4,79%, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng 3% trong năm 2015, vốn chảy vào các ngành sử dụng nhiều lao động ở Indonesia lại giảm 12% do lương tối thiểu tăng lên.
Cuối tháng 1, Tập đoàn xe hơi Ford (Mỹ) thông báo sẽ đóng cửa nhà máy tại Indonesia trong năm nay. Một số doanh nghiệp khác như Toshiba, Panasonic, Chevron... cũng công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự ở quốc gia vạn đảo.
“Chúng tôi điều chỉnh quy định về đầu tư nhằm tạo thêm việc làm song song với củng cố nguồn vốn”, Thư ký nội các Indonesia Pramono Anung cho Bloomberg hay. “Chúng tôi cần chuẩn bị cho hội nhập kinh tế ASEAN và phải tăng cường khả năng cạnh tranh của mình”, ông nói.
Theo ông Anung, chính phủ Indonesia sẽ sửa đổi quy định theo hướng phân chia hạn mức đầu tư nước ngoài thành 3 mức 49%, 67% và 100%. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép nâng tỷ lệ sở hữu các bảo tàng tư nhân và dịch vụ ăn uống từ mức 51% như hiện nay lên 67% và nâng cổ phần trong các dự án đường sá có thu phí từ 95% lên 100%.
Chạy đua với VN
Mới đây, tờ The Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong cho rằng nước này phải đuổi kịp VN trong việc mở rộng tiếp cận thị trường thế giới cũng như tăng tốc đàm phán thương mại với nước ngoài. Ông nhận định VN đã thực sự trở thành “đối thủ có khả năng đe dọa” vị thế của Indonesia sau khi kết phúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định Thương mại tự do VN - EU sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế đối với hàng hóa có xuất xứ từ VN sau 7 năm. Trong khi đó, Indonesia đang chịu thuế suất từ 8 - 12% đối với các mặt hàng xuất đi châu Âu. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU tăng từ 18,6 tỉ euro (463,2 nghìn tỉ đồng) trong năm 2012 lên 22,2 tỉ euro vào năm 2014. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang EU giảm từ 15,5 tỉ euro năm 2012 xuống còn 14,4 tỉ euro năm 2014.
Từ lâu, VN và Indonesia là đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc đến nhiều thị trường lớn, trong đó có Mỹ. Giới chuyên gia nhận định một khi TPP có hiệu lực, VN sẽ tăng thêm thị phần hàng dệt may vào Mỹ trong khi Indonesia sẽ gặp khó khăn do nước này không phải là thành viên TPP.
Theo dự báo của Công ty tư vấn quản lý doanh nghiệp O'Rourke Group Partners (Mỹ), hàng may mặc VN sẽ chiếm 35% thị phần tại Mỹ sau khi TPP có hiệu lực, tăng đáng kể so với con số 10% hiện nay nhờ cắt giảm thuế sẽ tạo nên làn sóng dịch chuyển các doanh nghiệp gia công hàng dệt may từ các quốc gia khác sang VN. Từ đó, Bộ trưởng Lembong cảnh báo Indonesia sẽ phải nỗ lực rất lớn nếu không muốn bị VN vượt qua. “Chắc chắn là điều này cần sự cải cách lớn về kinh tế, bao gồm việc thay đổi các chính sách hiện tại”, The Jakarta Post dẫn lời ông Lembong.
Doanh nghiệp dầu khí thu hẹp hoạt động ở Indonesia
Giá dầu giảm sâu tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp dầu khí tại Indonesia, đe dọa ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, vốn dựa phần lớn vào lĩnh vực sản xuất năng lượng. Reuters dẫn thông tin mới nhất từ chính phủ nước này cho hay các nhà đầu tư đã trả lại 15 lô dầu khí sau khi đã đổ khoảng 820 triệu USD vào thăm dò và khai thác.
Trong năm 2014 cũng đã có 8 lô bị trả lại, theo báo cáo trước quốc hội của ông Amien Sunaryadi, Chủ tịch Ủy ban Chuyên trách hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí Indonesia (SKKMigas).
Trong vài tháng trở lại đây, các doanh nghiệp năng lượng hoạt động tại Indonesia buộc phải cắt giảm sản xuất để đối phó diễn biến giá dầu toàn cầu. Giai đoạn cuối năm ngoái, Tập đoàn Chevron (Mỹ), nhà đầu tư khai thác dầu thô lớn nhất ở Indonesia lẫn ASEAN, giảm sản lượng còn 779.000 thùng/ngày. Theo nhiều dự đoán, sản lượng của Chevron sẽ giảm xuống 753.400 thùng/ngày nếu giá dầu lao xuống 20 USD/thùng. Ngày 23.2, giá dầu Brent niêm yết khoảng 34 USD/thùng, giảm 8% so với đầu năm.
Thanh Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.