Ngắm Chợ Lớn qua tranh thủy mặc của chàng trai 9X

Phạm Hữu
Phạm Hữu
27/03/2022 18:47 GMT+7

Những góc đường, tòa nhà cổ ở khu Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) đã được Trương Gia Tuấn chuyển thể bằng những nét vẽ tranh thủy mặc một cách độc đáo.

Tập vẽ tranh thủy mặc từ nhỏ

Sinh ra và lớn ở khu Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) Trương Gia Tuấn, 26 tuổi là một người Việt gốc Hoa. Khu phố người Hoa là gắn liền với tuổi thơ của Tuấn. Thời điểm còn là một đứa trẻ, Tuấn luôn có niềm yêu thích vẽ tranh khó tả. Lớn hơn một chút, Tuấn bắt đầu được họa sĩ Trương Lộ tập và dạy cho Tuấn những nét vẽ đầu tiên.

Chỉ nghĩ là học để biết vẽ tranh, không định hướng theo nghề khi lớn lên. Nào ngờ, sau 5 năm học vẽ theo thể loại thủy mặc, Tuấn bắt đầu mê nghề lúc nào không hay.

Trương Gia Tuấn có sở thích khắc hoạ lại những công trình kiến trúc cổ ở khu Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM)

NVCC

Cảnh một tòa nhà cổ nằm tại góc đường Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm

Tuấn sử dụng thể loại tranh thủy mặc pha lẫn phong cách đương đại trong từng bức tranh

Những công trình kiến trúc cổ ở Chợ Lớn là nét chủ đạo, xung quanh là nhịp sống hiện đại là điều mà Tuấn muốn truyền tải

“Từ những lần cầm bút vẽ những đường nét ban đầu, tôi tập vẽ tranh thủy mặc với mai, lan, cúc, trúc. Mỗi thứ đều rất khó khăn bởi tranh thủy mặc là loại nghệ thuật đặc trưng cổ phương Đông, không đại trà như những trường phái khác”, Tuấn chia sẻ.

Khi đã cứng nghề một chút, Tuấn bắt đầu được thầy cho ra bên ngoài để thỏa cơn sáng tác. Bức ảnh phong cảnh đầu đời của Tuấn là vùng quê ở H.Châu Đốc, tỉnh An Giang. “Khi nhìn vào khung cảnh đó, bỗng tôi thấy mình thích nhịp sống bình dị. Tôi bắt đầu nét vẽ của mình với căn nhà sàn nằm trên mặt sông, cạnh đó là chiếc ghe với nhịp sống chậm rãi của người miền Tây”, Tuấn chia sẻ.

Với tranh thủy mặc, nét vẽ ban đầu là quan trọng nhất, thông thường chỉ sử dụng một màu đen chủ đạo. Sau đó là tới sắc độ đậm nhạt của mực. Khi mực pha với nước có thể diễn tả được 5 đến 6 sắc độ của màu. Độ hay của tranh thủy mặc nằm ở nét mực tạo thần thái, chiều sâu cho bức tranh, triết lý âm dương của phương Đông.

Góc đường phía sau chợ Bình Tây

Góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ

Nhà thờ Cha Tam

Cảnh quê ở P.An Phú, TP.Thủ Đức (Q.2 cũ) còn sót lại giữa trung tâm thành phố

Muốn khắc họa về Chợ Lớn

Gia Tuấn cho biết, nhắc đến tranh thủy mặc, nhiều người nghĩ tới những khung cảnh rừng núi hùng vĩ, hoang sơ hay những cành trúc, suối nước chảy róc rách… Tuấn lại không đi theo hướng đó. Cậu cho rằng bản thân còn trẻ nên muốn hòa quyện giữa lối vẽ cổ và nghệ thuật đương đại vào tranh của mình.

Từ đó, mục đích của Tuấn là muốn lưu giữ lại những góc đường, tòa nhà cổ kính ở khu Chợ Lớn. Cậu yêu thích sự bình dị xung quanh nơi mình đang sống và thể hiện điều đó bằng những nét vẽ.

Để có thể vẽ những bức tranh, Tuấn đã tìm đến những góc đường Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền, Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ, khu chợ Bình Tây, nhà thờ Cha Tam… Một lần khác Tuấn cũng tìm đến có những cảnh quê còn sót lại giữa lòng thành phố như ở TP.Thủ Đức (khu Q.2 cũ), H.Bình Chánh,…

Tuấn mang ghế, giấy rồi ra ngồi tại nơi đó mới mô tả được nhịp sống trong từng nét vẽ. Mỗi bức tranh luôn chiếm nhiều thời gian của Tuấn. Có bức đến vài ngày mới hoàn thành. Từ việc phác thảo trên giấy A3 đến đi nét lại trên khung giấy lớn, cuối cùng là dặm màu.

Bức ảnh cảnh quê ở Châu Đốc đầu tiên của Tuấn

Những bức ảnh quê đầu tiên đã tạo cảm hứng cho Tuấn vẽ tiếp những khung cảnh bình dị khác

Cảnh nhà sàn ở H.Châu Đốc, An Giang

Mất khoảng vài ngày để Tuấn hoàn thành một bức tranh thủy mặc

Cảnh quê ở Phan Rí Cửa, Ninh Thuận

Tuấn cho biết sẽ đi đến nhiều nơi hơn để vẽ tranh về đồng quê Việt Nam

Tuấn chia sẻ, hành trình đi vẽ không phải lúc nào cũng như ý. Có những bức lỡ tay vẽ sai, phải bỏ làm lại từ đầu. “Có những bức vẽ xấu rồi tôi dẹp thời gian sau mới mở ra chỉnh lại”, Tuấn bày tỏ.

Đến hiện tại, gia tài tranh thủy mặc của Tuấn không nhiều lắm bởi Tuấn luôn muốn chăm chút cho từng nét vẽ của mình. Nói về tương lai, Tuấn muốn mình được đi nhiều hơn, thể hiện những khung cảnh làng quê khắp đất nước, những địa điểm cổ của người Hoa qua những bức tranh thủy mặc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.