'Ngậm' hàm răng giả trong cổ hơn 2 năm không biết

03/02/2016 17:02 GMT+7

Cuối năm lên TP.HCM chơi, anh Huy ghé Bệnh viện Tai Mũi Họng khám thử xem vì sao hai năm nay bị đổi giọng, khan tiếng. Kết quả, bác sĩ phát hiện một mảnh của hàm răng giả đã 'làm ổ' trong thanh, khí quản của anh.

Cuối năm lên TP.HCM chơi, anh Huy ghé Bệnh viện Tai Mũi Họng khám thử xem vì sao hai năm nay bị đổi giọng, khan tiếng. Kết quả, bác sĩ phát hiện một mảnh của hàm răng giả đã 'làm ổ' trong thanh, khí quản của anh.

Mảnh răng giả được lấy ra khỏi thanh quản bệnh nhân - Ảnh: Nguyên MiMảnh răng giả được lấy ra khỏi thanh quản bệnh nhân - Ảnh: Nguyên Mi
Chiều nay (3.2), bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Long (Khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM) cho biết về trường hợp hi hữu trên của anh Lê Minh Huy (40 tuổi, ngụ huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Anh Huy bị khan tiếng đã hơn hai năm. Chỉ đến hôm qua (2.2), có dịp đi TP.HCM chơi, anh mới ghé thử Bệnh viện Tai Mũi Họng khám. Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện có dị vật nằm trong thanh quản và khí quản của bệnh nhân, đã "làm ổ" nhiễm trùng.
Các bác sĩ đã mổ nội soi lấy dị vật ra khỏi thanh, khí quản cho bệnh nhân. Đó là một mảnh vỡ hàm răng giả hình tứ giác, có kích thước 4x3,5cm. Móc sắc của mảnh hàm răng giả móc chặt vào khí quản của bệnh nhân và một phần bảng hàm răng giả nằm song song theo chiều thẳng đứng trong thanh quản của bệnh nhân.
Anh Huy kể lại, anh “đột nhiên” bị khan tiếng cách đây hơn hai năm. Lúc đó, anh và một người bạn đang ngồi nghỉ trên bãi biển. Đột nhiên anh bị trúng gió, ngã xuống, run giật, răng đánh cần cập. Sợ anh cắn lưỡi, bạn anh đã lấy một thanh cây để anh cắn ngang miệng. Sau đó, mọi người xoa chanh, cạo gió và đưa anh vô Bệnh viện đa khoa Phú Quốc cấp cứu.
“Bác sĩ khám, truyền nước, chích thuốc xong khỏe thì cho về. Sau đó thì bị khan tiếng cho đến giờ. Lúc té xuống bất tỉnh không biết gì. Tỉnh dậy mới biết hàm răng giả bị bể. Chắc do cắn cây chặt, mạnh quá và không biết mình nuốt mảnh hàm răng giả vô lúc nào”, anh Huy nói.
Dù bị khan tiếng như vậy nhưng anh cũng không đi khám hay uống thuốc gì vì thấy “vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường được; chỉ khi nào làm nặng thì mệt và khó thở”.
Sau khi dị vật được lấy ra, tình trạng thở của bệnh nhân đã cải thiện, tuy nhiên vẫn còn khan tiếng. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi chảy máu.
Theo bác sĩ Long, mảnh hàm răng giả đã nằm quá lâu, "làm ổ" trong thanh quản của bệnh nhân nên để lại sẹo, tình trạng khan tiếng của bệnh nhân phải sau một thời gian nữa mới cải thiện.
"Dị vật mắc trong thanh quản, khí quản sẽ làm bệnh nhân bị hẹp đường thở, sẹo gây khó thở, khan tiếng; để lâu gây nhiễm trùng đường hô hấp; dẫn đến nguy cơ tắt thở và tử vong cao. Vì vậy rất nguy hiểm", bác sĩ Long nói.
Qua đây, bác sĩ Long cảnh báo, trong những ngày tết sắp tới, người dân sẽ liên hoan, ăn uống nhiều. Những ai có răng giả nên cẩn thận trong ăn uống, không nên vừa ăn vừa đùa giỡn, cắn thức ăn, vật cứng, có thể cắn vỡ hay làm rớt, tuột, nuốt phải răng giả, mảnh vỡ vào cổ. Nếu trong khi ăn uống thấy dấu hiệu ho, hóc, đau cổ thì không nên chủ quan. Tốt nhất nên đến bệnh viện để được kiểm tra. Dị vật bị mắc trong cổ họng, thanh, khí quản được phát hiện sớm sẽ được lấy ra một cách dễ dàng, nhẹ nhàng; nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm.
Bác sĩ Long cho biết, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vẫn thường xử lý nhiều trường hợp hóc dị vật, nhưng trường hợp để lâu cũng chỉ khoảng 2 tuần - 1 tháng, chứ để đến 2 năm như thế này đúng là rất hiếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.