Phong trào xưa
Khăn quàng đỏ trên vai, bốn cậu bé và một cô bé đang trong giờ thực hành sinh học. Căn cứ vào bình thí nghiệm lớn có tiêu bản ếch ngâm cũng như con ếch trên bàn mổ, có thể nhận ra đó là bài tập mổ ếch. Vừa học vừa hành là như vậy. Bức ảnh chụp ở Trường phổ thông cấp 2 Bắc Lý (tỉnh Hà Nam) khoảng những năm 1960 được trưng bày trong trưng bày chuyên đề Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh, nhân 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023), tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết thời điểm bức ảnh ra đời, Trường phổ thông cấp 2 Bắc Lý là lá cờ đầu của ngành giáo dục trong thực hiện phương châm "Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội". Đây là nơi khởi nguồn của phong trào thi đua "Hai tốt" (dạy thật tốt và học thật tốt). Phong trào thi đua "Trống Bắc Lý" đã nhanh chóng trở thành một trong các phong trào thi đua tiêu biểu của ngành giáo dục giai đoạn bấy giờ.
Bên cạnh hình ảnh về Bắc Lý, trưng bày cũng có ảnh xã viên Hợp tác xã (HTX) Đại Phong (H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - quê hương của phong trào thi đua "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp. Họ đang chứng kiến chiếc máy cày - phần thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng HTX thực hiện luống cày đầu tiên vào tháng 6.1961. Cũng có cả ảnh một buổi thao diễn kỹ thuật của công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng). Họ là lá cờ đầu của công nghiệp miền Bắc những năm 1960.
Những con người như thế, những phong trào như vậy rất nhiều vào những năm 1960, thời kỳ của thi đua ái quốc theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Họ làm nên "Trống Bắc Lý", "Gió Đại Phong"… rồi trở thành lá cờ đầu của anh hùng chiến sĩ thi đua. Một tư liệu ảnh trong trưng bày cho thấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh lưu niệm với họ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ 3, diễn ra vào tháng 5.1962.
Bên cạnh thi đua sản xuất, học tập, thi đua chiến đấu cũng không kém khí thế. Tư liệu ảnh cho thấy, thanh niên miền Bắc tham gia phong trào "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có ảnh nữ du kích Đại Xuân (tỉnh Quảng Bình) trong phong trào thi đua "Vừa sản xuất, vừa chiến đấu"; thanh niên xung phong miền Nam lấy vai làm cầu chuyển thương binh qua sông trong phong trào "5 xung phong" trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
75 năm thi đua yêu nước
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Có thể thấy dòng chảy thi đua đó trong suốt cả 3 phần trưng bày Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh. Ở phần 1 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào "Thi đua ái quốc", có trưng bày lời kêu gọi của Người: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất". T.Ư Đảng thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ T.Ư đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Trong phần này, có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự các đại hội thi đua yêu nước; đại hội các cấp, ngành; sự quan tâm, động viên, khích lệ của Bác đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua ái quốc. Các văn bản bút tích của Bác Hồ cũng có mặt tại đây.
Phần 2 Thi đua là yêu nước - Yêu nước thì phải thi đua cho thấy toàn dân cùng kháng chiến và kiến quốc thành công. Ở đây có nhóm tài liệu về các phong trào thi đua yêu nước nổi bật cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ở miền Nam, các phong trào thi đua "Bám đất giữ làng"; "Một tấc không đi, một ly không dời"; "Giết giặc lập công","5 xung phong"… phát triển rộng khắp. Ở miền Bắc có "Sóng Duyên Hải" trong sản xuất công nghiệp; "Gió Đại Phong" trong sản xuất nông nghiệp; "Cờ ba nhất" trong quân đội; "Trống Bắc Lý" trong giáo dục; "Thanh niên ba sẵn sàng"; "Phụ nữ ba đảm đang"…
Phần này có hiện vật hũ gạo kháng chiến phụ nữ Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) hưởng ứng phong trào "Hũ gạo cứu đói" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; hình ảnh lớp bình dân học vụ ở Tiền Giang hưởng ứng phong trào "Diệt giặc dốt" năm 1951…
Phần 3 Khát vọng tuổi trẻ - Ươm những mầm xanh gắn với các phong trào của người trẻ như "Nghìn việc tốt", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc"… Chủ đề này có hình ảnh về các thanh thiếu niên toàn quốc thi đua yêu nước; một số hình ảnh, hiện vật của nhóm Sài Gòn Xanh (TP.HCM) với phong trào bảo vệ môi trường; hình ảnh, hiện vật, đồ dùng, giáo cụ sản phẩm sáng tạo của học sinh, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) làm từ những vật dụng tái chế…
"Dưới ánh sáng tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, trải qua những chặng đường nối tiếp với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước phát triển theo một dòng chảy liên tục, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng VN trong suốt hơn 7 thập kỷ qua", TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
Bình luận (0)