Mặt tròn má phính mông cong
Đinh Công Đạt gạt liên tục miếng đất nặn, rồi lại xoa xoa cho đến khi miếng đất đó tròn và mịn. Một mảng mông của chú lợn ông tìm kiếm lộ ra. Rất nhanh. Nhưng tìm kiếm chiếc bụng béo của nó lại khó hơn nhiều. “Tôi muốn nó có đủ độ xệ xuống mà vẫn có độ căng. Như một người đàn bà béo và rất gợi cảm. Phần nối mông và bụng cũng phải có độ cong như thân thể người phụ nữ”, nhà điêu khắc nói. Sau cùng, phác thảo cũng đã xong và ông Đạt bắt đầu đổ khuôn. Những mẫu lợn này sau đó sẽ được ông làm hàng loạt. Tất nhiên, chỉ là hàng loạt về phom dáng.
Chiếc khuôn lợn mới giờ đây đã được ông dùng để phất lên những chú lợn giấy dó. Chiếc bụng tròn đều như thế. Mông lợn cũng tròn. Đáng yêu nhất lại là miếng eo lưng võng xuống. Nó làm cả tác phẩm có độ uyển chuyển của một chú lợn đang đi núng nính và hạnh phúc. Nhịp chuyển động này, rất giống như khi Đạt làm những chú kiến chăm chỉ đã nổi tiếng hai chục năm nay của mình.
Đinh Công Đạt không xa lạ gì với đề tài lợn. Là nghệ sĩ điêu khắc nhưng Đạt từ chối làm các đề tài hoành tráng từ khi còn học ở Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Thay vào đó, Đạt mê tạo ra một thế giới ngộ nghĩnh giàu chất dân gian. Ở đó, ông được thoải mái nhất có thể với các kỹ năng đục, chạm, nhuộm cắt da, mài… đã học được với các nghệ nhân làng nghề sơn mài, da, khảm trai trong suốt nhiều năm.
Với những chú lợn năm nay, Đạt chọn gốc văn hóa là chú lợn ỉ trong tranh Việt xưa. “Giống lợn của thời cũ, của thẩm mỹ cũ. Nó tròn xinh và mặt tròn má phính. Đúng chuẩn về cái đẹp xưa. Một con lợn trong ký ức. Tôi còn là người thích béo thích tròn nên hình dáng của nó còn gợi vóc dáng về giới tính”, ông Đạt nói về con lợn của mình.
Đồ hiệu sơn mài
Nhưng Đạt không dừng ở đó, từ những chú lợn giấy dó ấy Đạt lại phủ thêm màu để từng tác phẩm có câu chuyện riêng. “Tôi chọn những màu đúng chất dân gian để làm, nghĩa là bằng màu tự nhiên. Dùng màu phẩm thiên nhiên rất dễ, đó là màu của ngày tết. Phẩm điều, phẩm hoa hiên, phẩm vàng tơ cộng với điệp để quết lên. Ngày xưa các cụ làm phẩm thế nào thì tôi dùng theo thế. Không có cải tiến cách tân gì cả. Tôi cũng dùng thêm sơn ta để vẽ, với màu phẩm mặt trời. Cách thếp vàng, thếp bạc cũng theo truyền thống”, Đinh Công Đạt chia sẻ.
Đàn lợn sơn mài của Đinh Công Đạt năm nay vì thế có nhiều màu rực rỡ. Giá của mỗi chú lợn lên đến hàng trăm USD. Đây cũng là cách thức ông từng dùng để thiết kế các khung trang trí của nhiều cửa hàng thời trang cao cấp (window display). Nó cho thấy, từ nghệ thuật truyền thống, các thiết kế mới vẫn có thể có vẻ đương đại và xa xỉ của hàng hiệu.
Bình luận (0)