Ngắm nhan sắc giai nhân nổi tiếng Sài Gòn (1960-1970) qua ống kính Đinh Tiến Mậu

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
11/10/2020 16:43 GMT+7

Tiệm ảnh Viễn Kính ăn khách tại Sài Gòn (năm 1963) của ông Đinh Tiến Mậu là “điểm hẹn” lý tưởng của giới nghệ sĩ. Nhiếp ảnh gia tài hoa này đã níu giữ “nhan sắc giai nhân Sài Gòn” bằng hình ảnh của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Mới cách đây 3 ngày, giới nhiếp ảnh Việt Nam vô cùng đau buồn trước sự ra đi quá đột ngột của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu. Hôm 10.10, linh cữu của ông đã được đi hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa (TP.HCM), nhưng gia tài đồ sộ mà ông để lại - hình ảnh về nhan sắc của các giai nhân Sài Gòn vẫn còn mãi theo thời gian.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về tuổi thơ và gia đình của ông Đinh Tiến Mậu khá chi tiết trong cuốn Ký ức một ảnh viện Sài Gòn (NXB Trẻ ấn hành). Nhà ông Đinh Tiến Mậu chỉ có ba chị em, trên ông Mậu là bà Đinh Thị Thảo và dưới ông là em trai Đinh Bá Thịnh. Bố ông Mậu làm nghề cắt tóc theo bạn vào Sài Gòn năm 1930, mở tiệm hớt tóc Đan Phượng tại số 18, đường Ohier (nay là đường Tôn Thất Thiệp, Q.1, TP.HCM). Sau khi ổn định mọi thứ, ông Mậu mới được bố đưa vào Nam.

Nghệ sĩ Thanh Nga

Nghệ sĩ Trang Bích Liễu

Ảnh: Đinh Tiến Mậu

“Khoảng năm 1948, khi tôi đang học lớp đệ thất thì mẹ tôi ra Hà Nội làm việc ở tiệm dệt trên phố Hàng Cót, tôi theo mẹ ra Hà Nội sống. Tại đây, tôi gặp người cậu bà con, ở cùng làng tên là Phạm Văn Sửu (tức Giáp) và theo cậu đi học nghề ảnh ở hiệu ảnh Hợp Dung bên hồ Gươm. Chỉ hai năm gắn bó học nghề ảnh nhưng Hà Nội với tôi là ấn tượng sâu đậm. Năm 1950, mẹ tôi vào Nam ở hẳn, đoàn viên gia đình. Trong trí óc non nớt của cậu bé 15 tuổi, tôi dự cảm rằng lần xê dịch này mình sẽ gắn bó với Sài Gòn lâu dài”, ông Đinh Tiến Mậu hồi tưởng trong tác phẩm.
Với quyết tâm cao và ý chí học hỏi không ngừng, thợ ảnh Đinh Tiến Mậu cùng nhóm bạn hùn hạp mở công ty chụp ảnh ở Chợ Lớn ở hiệu ảnh có tên Việt Hoa, tọa lạc gần chợ An Đông. Trải qua nhiều biến động của Sài Gòn lúc bấy giờ và do việc thuê mướn mặt bằng không ổn lắm nên tiệm ảnh của ông phải di chuyển địa điểm nhiều lần. Cho đến khi ông mua được nhà và mở tiệm ảnh Viễn Kính ở số 277 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), thì mọi việc mới suôn sẻ.

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu (đứng)

Ảnh: T.L

Cơ duyên nào đưa ông Đinh Tiến Mậu đến với công việc chụp ảnh giới nghệ sĩ? Theo nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, là từ việc ông cộng tác với hãng phim Việt Thanh ở xóm Gà. Sách đã dẫn cho biết thêm: “Hãng này do ông Trần Văn Trạch (em trai GS Trần Văn Khê) hợp tác với người Hoa ở Chợ Lớn thành lập. Cũng ở chỗ quen biết nên cách thức cộng tác thời bấy giờ khá đơn giản. Mỗi khi có phim mới cần hình ảnh nghệ sĩ, phim trường để quảng cáo trên các báo hay banner treo trước các rạp thì ông chủ hãng lại mời chụp.Thời điểm 1958, Thẩm Thúy Hằng nổi lên như ngôi sao có sức hấp dẫn lạ lùng sau vai Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương. Sau đó, bà tiếp tục khiến khán giả miền Nam chết mê chết mệt với vai Chức Nữ trong phim Ngưu Lang Chức Nữ. Còn nghệ sĩ cải lương Thanh Nga thì cũng mới nổi lên với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới đoạt giải Thanh Tâm triển vọng, hay trước đó vai Tuyết Vân trong Nắng sớm mưa chiều, Hương trong Nửa đời hưng phấn”.

Ca sĩ Thái Thanh

Diễn viên - ca sĩ Thanh Lan

Ca sĩ Phương Hồng Quế

Nghệ sĩ Bạch Yến

Nghệ sĩ Mộng Tuyền

Ảnh: Đinh Tiến Mậu

Vì công việc làm thợ nhiếp ảnh, lại chụp bìa đẹp cho nhiều báo được độc giả chú ý nhất nên ngày qua ngày, ông Đinh Tiến Mậu thỏa sức rong ruổi với chiếc Desoto Automatic (của ông chủ tờ Phụ Nữ Diễn đàn giao), chở các người đẹp “rày đây mai đó” khắp nơi. Nhờ vậy mà ông sở hữu rất nhiều ảnh đẹp của các giai nhân, ngôi sao màn bạc, nghệ sĩ nổi tiếng thời đó, như: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương, Kiều Chinh, Thái Thanh, Bạch Yến, Mộng Tuyền, Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Trang Bích Liễu, Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa…
“Chiếm đa phần trong bộ ảnh Đinh Tiến Mậu chụp chân dung nghệ sĩ Sài Gòn thập niên 1960 - 1970, các nhân vật nữ thường diện ‘áo dài bà Nhu’. Dẫu biết đó không phải là sự can thiệp của người chụp ảnh, ảnh viện nhưng cũng chính điều này cho thấy bộ ảnh tình cờ lưu lại được tinh thần vừa tiếp nhận văn minh Âu, Mỹ vừa bảo lưu truyền thống trong lối trang điểm, mốt thời trang của những người tạo nên xu thế ăn mặc trong xã hội Sài Gòn, nơi sự thanh lịch được kết tinh từ các giá trị đa văn hóa”, sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn nhận định.
Xin giới thiệu thêm hình ảnh của những nhan sắc nổi tiếng Sài Gòn thập niên 1960 - 1970 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu:

Diễn viên Khánh Ngọc

Nghệ sĩ Phượng Liên

Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa

Diễn viên Túy Hồng

Ca sĩ Giao Linh

Ca sĩ Minh Hiếu

Diễn viên Băng Châu

Ca sĩ Phương Dung

Ca sĩ Lệ Thu

Ca sĩ Phương Hoài Tâm

Ảnh: Đinh Tiến Mậu

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.