Ngăn chặn bỏ cọc đấu giá: 'Không chấp nhận có tiền muốn làm thế nào thì làm'

28/11/2023 10:25 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị có các biện pháp chế tài để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá vì mục đích xấu, "không chấp nhận việc có tiền muốn làm thế nào thì làm".

Sáng 28.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đó là làm sao để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (trái) và Phan Thị Mỹ Dung phát biểu thảo luận về vấn đề bỏ cọc đấu giá

GIA HÂN

"Giá khởi điểm 24 tỉ, đấu giá lên tới 1.684 tỉ là bất thường"

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước, dẫn tới tiêu cực.

Ông Hòa dẫn chứng một số vụ việc bỏ cọc đấu giá, làm lũng đoạn thị trường, "lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá", gây dư luận không tốt thời gian qua. Điển hình như vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cuộc đấu giá biển số xe ô tô hay 3 mỏ cát ở Hà Nội.

Để chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, ông Hòa cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo…

ĐBQH nêu biện pháp ngăn chặn bỏ cọc đấu giá: 'Không chấp nhận có tiền muốn làm thế nào thì làm'

"Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền muốn làm thế nào thì làm", ông Hòa nói, đồng thời đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) thì cho rằng quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% như hiện hành là phù hợp. Nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản.

Nữ đại biểu đề cập tới một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như là phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới. Bà đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền. Tất nhiên, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan.

Đặc biệt, theo bà Dung, thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công (quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ), giá trả cao hơn giá khởi điểm tới 204 lần. "Từ giá khởi điểm 24 tỉ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỉ đồng", nữ đại biểu dẫn chứng, và cho rằng luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.

Ngăn chặn bỏ cọc đấu giá: 'Không chấp nhận có tiền muốn làm thế nào thì làm' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có thể xử lý hình sự với hành vi bỏ cọc đấu giá

GIA HÂN

Xử lý hình sự nếu thao túng, ảnh hưởng an ninh kinh tế

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) khẳng định cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.

Theo ông Thanh, luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi đó nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

Đại biểu Quốc hội tranh luận có nên xử lý hình sự người bỏ cọc đấu giá

Để hạn chế câu chuyện người trúng đấu giá bỏ cọc, nhất là yếu tố lợi ích nhóm, thao túng đấu giá, vị đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc.

Trong đó, tiền đặt cọc có thể là 20 - 30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp thì kết quả bị hủy, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra.

"Giả sử tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thay vì chỉ vài trăm triệu hoặc vài tỉ đồng, người trúng đấu giá chắc chắn sẽ rất thận trọng khi bỏ giá", ông Thanh nêu quan điểm.

Đáng chú ý, vị đại biểu còn gợi ý có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh nói.

Cấm cha mẹ, con cái cùng đấu giá 1 tài sản, có khả thi?

Dự thảo luật Đấu giá tài sản sửa đổi bổ sung thêm trường hợp không được tham gia đấu giá cùng một tài sản, đó là: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác thông qua sở hữu, thâu tóm phần vốn góp…

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định như vậy là chưa phù hợp, bởi tham gia đấu giá là quyền của tổ chức, cá nhân; miễn sao đấu giá đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, rõ ràng, không lợi ích nhóm hoặc sân sau là được.

Tương tự, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận định, việc thành lập công ty con hoặc chi nhánh là theo quy định tại luật Doanh nghiệp, không bắt buộc phải công bố. Tổ chức đấu giá muốn xác định điều này là khó khả thi.

Chưa kể, ngay trong bộ hồ sơ tham gia đấu giá cũng không yêu cầu kê khai nhân thân của người tham gia đấu giá. Hơn nữa cụm từ "có khả năng chi phối" còn chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể cũng như việc ai có thẩm quyền đánh giá về "khả năng chi phối"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.