Sáng 28.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Trước đó, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, đã có giải trình về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ hôm 8.11.
Nâng mức đặt cọc đấu giá lên tối đa 50%?
Quá trình thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị nâng mức tiền đặt trước, quy định biên độ tiền đặt trước tùy theo giá trị tài sản; với một số tài sản đặc thù có thể nâng tiền đặt trước lên 50% giá khởi điểm.
Đồng thời, cần bổ sung chế tài cụ thể xử lý người bỏ cọc đấu giá (phạt tiền đặt cọc gấp đôi, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá, không được tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, xử lý dân sự, hành chính, hình sự…).
ĐBQH nêu biện pháp ngăn chặn bỏ cọc đấu giá: 'Không chấp nhận có tiền muốn làm thế nào thì làm'
Về nội dung này, Bộ Tư pháp cho biết, luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định về mức tiền đặt trước đấu giá từ 5 - 20%, với nhiều loại tài sản được ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau, là cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.
Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Bộ Tư pháp dẫn chứng thông lệ các nước trên thế giới, cho thấy phần lớn không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá. Các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.
Nghiên cứu xử lý hành vi bỏ cọc đấu giá
Về vấn đề xử lý hành vi bỏ cọc đấu giá, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc nộp tiền đặt trước là một trong các điều kiện để tham gia đấu giá.
Sau khi trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc đấu giá, để bảo đảm người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Hiện nay, việc xử lý tiền cọc trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của bộ luật Dân sự. Nếu người trúng đấu giá không ký hợp đồng mua bán hoặc không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc đấu giá) thì sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc.
Đối với trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán tài sản, việc xử lý tiền đặt cọc và phạt hợp đồng được thực hiện theo quy định của hợp đồng và bộ luật Dân sự.
Tiếp tục dẫn chứng thông lệ của đa số các nước, Bộ Tư pháp cho rằng đấu giá là quan hệ dân sự, nên khi một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì bên vi phạm chịu chế tài quy định của pháp luật dân sự (mất tiền đặt cọc đấu giá).
Ngoài ra, một số nước khác còn cấm người không nộp tiền trúng đấu giá tham gia đấu giá trong một thời hạn nhất định.
Riêng tại Việt Nam, để hạn chế tình trạng "cò mồi", tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, dự thảo luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã bổ sung quy định người tham gia đấu giá không trả giá, cố tình trả giá không hợp lệ (dưới giá khởi điểm, ghi phiếu sai) thì sẽ bị mất khoản tiền đặt trước.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, nhất là về năng lực tài chính; kèm theo đó là các chế tài xử lý đối với hành vi bỏ cọc đấu giá (cấm tham gia đấu giá, phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm hợp đồng...).
Bình luận (0)