Đề nghị phạt gấp nhiều lần tiền cọc khi bỏ cọc đấu giá biển số đẹp, đất đai

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/11/2023 18:08 GMT+7

Dẫn chứng quy định hiện hành thiếu chế tài xử lý việc bỏ cọc khi tham gia đấu giá như khi đấu giá biển số đẹp hay lô đất ở Thủ Thiêm tại TP.HCM vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị có chế tài phạt nặng gấp nhiều lần số tiền cọc 30%.

Chiều 8.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản. Nêu ý kiến thảo luận, Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho rằng, luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục đấu giá.

Đề nghị phạt nặng người bỏ cọc đấu giá biển số đẹp, đất đai - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến thảo luận tại tổ chiều 8.11

GIA HÂN

Một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước). Cùng đó, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa hiệu quả. "Còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá, cơ chế kiểm soát việc đấu giá bộc lộ một số vướng mắc...", bà Yến nêu.

Từ đó, bà Yến nhất trí việc sửa đổi luật Đấu giá tài sản lần này. Tuy nhiên, bà đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đánh giá sát tình hình thực tiễn để thể chế hóa các quy định tại dự thảo luật cho thật sự chặt chẽ.

Đảm bảo khi luật có hiệu lực phải khắc phục được tình trạng đang xảy ra trong thực tiễn. Đó là phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường; tình trạng ép giá, thổi giá; quân xanh, quân đỏ, năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá chưa đáp ứng yêu cầu đấu giá", bà Yến nêu.

Góp ý cụ thể, bà Yến đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo bà Yến, thời gian qua xảy ra trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, không nộp tiền để nhận tài sản trúng đấu giá, đặc biệt các tài sản có giá trị rất lớn, ví dụ như với biển số xe và bất động sản.

Bà Yến dẫn chứng, mới đây có một cá nhân ở TP.HCM đã trúng đấu giá biển số 51K - 888.88 với giá trên 32 tỉ đồng nhưng cuối cùng không nộp tiền trúng đấu giá, chịu mất tiền cọc đã nộp trước là 40 triệu đồng.

Trước đó, Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và bỏ số tiền đặt cọc gần 600 tỉ đồng.

Việc bỏ cọc này theo bà Yến gây ảnh hưởng rất lớn, song tới nay theo quy định thì người bỏ cọc chỉ bị mất số tiền đã đặt cọc chứ không có chế tài nào khác. Bà Yến đề nghị phải quy định các tài sản Nhà nước quản lý thì khi đấu giá không được bỏ cọc. Nếu có người bỏ cọc thì cần bổ sung chế tài hành vi này.

"Cần có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc 30% giá trị tài sản đấu giá, để tránh đấu giá thành công rồi bỏ cọc", bà Yến đề nghị.

Cũng quan tâm vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự thảo trước khi trình ra Quốc hội đã bổ sung một chế tài về việc bỏ cọc đấu giá nhưng không hiểu sao bây giờ lại bỏ. 

"Tức là trước kia đưa vào, bây giờ đưa ra, không còn chế tài việc này nữa. Cho nên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc này", ông Hải đề xuất.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án luật trình Quốc hội đầu chiều nay 8.11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cũng đề nghị quy định chế tài xử lý vi phạm theo hướng không cho tham gia đấu giá trong một thời hạn bên cạnh việc hủy kết quả trúng đấu giá, và quy định rõ trách nhiệm cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá.

Đáng chú ý, có ý kiến còn đề nghị quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản, ví dụ phạt tiền bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.