Sửa luật Đấu giá tài sản để chống tiêu cực, thông đồng

02/03/2023 14:27 GMT+7

Chính phủ yêu cầu việc sửa luật cần bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống tiêu cực, thất thoát; ngăn ngừa hành vi thông đồng, nâng giá hoặc giảm giá trong đấu giá tài sản.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2.2023, trong đó đề cập tới đề nghị xây dựng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản.

Chính phủ: Sửa luật để chống tiêu cực, thông đồng trong đấu giá - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2.2023

VGP

Ngăn ngừa thông đồng, chống tiêu cực

Theo nghị quyết, Chính phủ cơ bản thống nhất với các nhóm chính sách như đề xuất của Bộ Tư pháp. Thứ nhất là hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản.

Thứ hai là hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ, công khai, minh bạch và thống nhất; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.

Thứ ba là hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp để hoàn thiện đề nghị xây dựng luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, bất cập; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thể hiện đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Cùng đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như trong quản lý nhà nước về đấu giá; bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống tiêu cực, thất thoát tài sản, ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách đấu giá để thông đồng, nâng giá hoặc giảm giá tài sản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để có cơ chế đấu giá phù hợp đối với các tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số phương tiện giao thông cơ giới, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, di sản văn hóa...

Chính phủ: Sửa luật để chống tiêu cực, thông đồng trong đấu giá - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi trong lần chủ trì phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản

BỘ TƯ PHÁP

Đề xuất cha mẹ, con cái không được đấu giá cùng một tài sản

Tháng 1.2023, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản. Theo bộ này, qua 5 năm triển khai, luật Đấu giá tài sản năm 2016 phát sinh nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Điển hình, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả, tồn tại tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chất lượng đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế, có tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử.

Cùng đó, người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản. Một số trường hợp có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá để trục lợi.

Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Hoặc người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng "sân sau" còn tồn tại…

Để khắc phục, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung các trường hợp không được tham gia đấu giá cùng một tài sản, gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác thông qua sở hữu, thâu tóm phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định khi đăng ký tham gia đấu giá.

Quy định mới sẽ loại trừ được hiện tượng thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ", nhất là các cá nhân, tổ chức có mối quan hệ lợi ích chi phối lẫn nhau trong đấu giá.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề xuất bỏ quy định thông báo công khai đấu giá bằng báo in hoặc báo hình, thay vào đó thống nhất hình thức công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia về đấu giá tài sản. Theo giải thích, việc thông báo đấu giá trên báo in, báo hình hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo tính khả thi, tính tiếp cận thông tin không cao.

Thậm chí, một số tổ chức còn lợi dụng quy định về báo in, báo hình để hạn chế thông tin đấu giá như: đăng trên báo ít người đọc, phát sóng vào các khung giờ đêm hoặc 1 - 2 giờ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá tài sản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.