Phó tổng TTCP Trần Văn Minh vừa ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Vinasport.
Vinasport tiền thân là Công ty Dụng cụ thể dục thể thao, năm 2006 được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần có vốn điều lệ 12,5 tỉ đồng; trong đó, cổ phần do Nhà nước nắm giữ chiếm 51,32% vốn điều lệ. Bộ VH-TT-DL là cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý sử dụng vốn nhà nước tại Vinasport, thông qua người đại diện theo các quy định của pháp luật.
Sai phạm khiến thất thoát hàng chục tỉ đồng
Tại thông báo kết luận thanh tra, TTCP "điểm mặt" hàng loạt vi phạm của Vinasport trong việc quản lý sử dụng vốn nhà nước, cũng như chấp hành các quy định của pháp luật từ khi cổ phần hóa đến nay. Đặc biệt, TTCP chuyển thông tin 7 vụ việc đến Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thứ nhất là việc xuất đạn cho Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất khống không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi, gây thất thoát số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.
Thứ hai là việc trả trước số tiền 150.000 EUR cho hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, thể hiện sự tùy tiện, cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Hiện, số tiền này không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport.
Thứ ba là việc huy động vốn của Xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao (giai đoạn 2008 - 2010) với số tiền 5,64 tỉ đồng của nhiều cá nhân nhưng không xin ý kiến HĐQT. Cùng đó là các khoản tạm ứng cá nhân của 21 người với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng, đến thời điểm thanh tra không có đủ chứng từ để hoàn tạm ứng, không có khả năng thu hồi; các khoản công nợ phải thu của khách hàng đã thanh toán nhưng không nộp về công ty hoặc không có chứng từ xác định là còn nợ.
Thứ tư là khoản chi 1 tỉ đồng cho Công ty Nam Đô với nội dung "trả một phần tiền hợp đồng số 65 ngày 20.7.2012 về việc nhận chuyển nhượng 6.000 m2 đất tại khu công nghiệp", hiện không có khả năng thu hồi, nguy cơ mất vốn.
Thứ năm là các thông tin liên quan đến việc cho Công ty HBI thuê mặt bằng trái quy định, giá cho thuê thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế (thất thoát tạm tính hơn 2,7 tỉ đồng).
Thứ sau là việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân (Hà Nội) để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện, gây thiệt hại gần 7,5 tỉ đồng.
Thứ bảy là việc mua, bán phôi thép với Công ty TNHH An Việt Úc, không có khả năng thu hồi, làm mất vốn với số tiền khoảng 5 tỉ đồng.
Cử người đại diện khiến công ty mất đoàn kết, kinh doanh kém
Ngoài 7 vụ việc chuyển cơ quan điều tra, TTCP còn chỉ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL trong việc cử, miễn nhiệm người đại diện tại Vinasport.
Theo đó, Bộ VH-TT-DL lựa chọn nhân sự để cử làm người đại diện không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ; quyết định cử người đại diện không thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định.
Trong thời gian dài, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không có lương, không quy định cụ thể mức lương trong quyết định cử người đại diện, không kịp thời trả lương cho người đại diện, để đơn thư, khiếu nại vượt cấp kéo dài.
Vẫn theo TTCP, việc cử lại ông Nguyễn Ngọc Thạch làm đại diện phần vốn nhà nước tại công ty (tháng 11.2016 miễn, đến tháng 10.2017 cử lại) là cố ý làm trái quy định. Việc cử người đại diện không đảm bảo các quy định đã làm tình hình công ty bất ổn định trong thời gian dài, mất đoàn kết nội bộ, hiệu quả kinh doanh thấp, kéo theo việc mất vốn của Nhà nước.
Chưa hết, việc miễn nhiệm người đại diện chưa được giải quyết dứt điểm. Người được cử làm người đại diện (nhiệm kỳ 2017 - 2022) không hoàn thành nhiệm vụ, mất đoàn kết, không thực hiện được các ý kiến chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL; 2/3 người đại diện năm 2019 bị kỷ luật về Đảng.
Ban Cán sự Đảng Bộ VH-TT-DL có 2 nghị quyết về miễn nhiệm, kỷ luật đối với 2 người đại diện là các ông Nguyễn Ngọc Thạch và Lê Hồng Nam, nhưng từ thời điểm đó đến thời điểm thanh tra (tháng 12.2021) 2 người này vẫn chưa bị miễn nhiệm. Ông Thạch vẫn đang làm Chủ tịch HĐQT Vinasport. Điều này cho thấy, bộ không thực hiện nghiêm nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ VH-TT-DL và các quy định của Đảng.
Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL không ban hành văn bản quy định riêng về việc quy định vai trò, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền, cơ chế báo cáo, phản hồi của người đại diện; không thực hiện đầy đủ việc đánh giá người đại diện; khi Vinasport có phát sinh các vướng mắc trong hoạt động hợp tác đầu tư thì chậm kiểm tra; nội dung chỉ đạo không có sự thống nhất gây khó khăn trong việc thực hiện…
Theo TTCP, trách nhiệm những sai phạm trên thuộc về lãnh đạo bộ và Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ VH-TT-DL).
Kiến nghị làm rõ trách nhiệm tập thể Bộ VH-TT-DL
Từ kết luận đã nêu, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo bộ qua từng thời kỳ (giai đoạn từ 2007 - 2021) về những tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và việc chấp hành các quy định pháp luật tại Vinasport.
Cùng đó là tổ chức kiểm điểm (theo từng thời kỳ, giai đoạn), làm rõ trách nhiệm trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện, để xảy những tồn tại, sai phạm và xử lý theo đúng quy định đối với các đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT-DL gồm: Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ.
TTCP cũng kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý thay thế, kiện toàn người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinasport. Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT-DL) kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân (thuộc Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam trước đây) để xảy những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm.
Xem nhanh 20h ngày 28.2: Xôn xao lăng mộ 'khủng' ở Hà Tĩnh | Nổ súng bắn nhau giữa phố Quy Nhơn
Bình luận (0)