Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam vừa ban hành thông báo mới nhất về việc tổ chức các phiên đấu giá biển số xe.
Theo đó, từ ngày 17.10, công ty này sẽ đưa gần 500 biển số lên sàn đấu. Danh sách biển số được công bố công khai để người dân lựa chọn, tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, nhiều biển số "quen mặt" xuất hiện như 51K-888.88 của TP.HCM, 30K-567.89 và 30K-555.55 của Hà Nội, 98A-666.66 của Bắc Giang, 36A-999.99 của Thanh Hóa…
Không được tự ý đưa thêm chế tài
Đây đều là những biển số từng được đấu giá thành công ở phiên đấu giá lần thứ nhất (ngày 15.9) với mức giá "khủng". Trong đó, biển số 51K-888.88 được chốt mức giá hơn 32 tỉ đồng, 30K-567.89 hơn 13 tỉ đồng, 30K-555.55 hơn 14 tỉ đồng, 98A-666.66 hơn 3 tỉ đồng, 36A-999.99 hơn 7,4 tỉ đồng.
Đến nay, các biển số được đưa ra đấu giá lại, đồng nghĩa người trúng đấu giá có thể đã không hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong thời gian quy định, còn gọi là bỏ cọc.
Việc hàng loạt biển số "siêu VIP" đấu giá lại đang nhận được quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp để hạn chế tình trạng này, tránh việc bỏ cọc tùy ý hoặc trả giá vô tội vạ, vừa gây tốn kém vừa lấy đi mất cơ hội trúng đấu giá của người khác.
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, quá trình tổ chức đấu giá biển số xe được tuân thủ theo quy chế đấu giá do công ty ban hành.
Quy chế đấu giá xây dựng dựa trên các quy định tại Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2022 của Chính phủ. Trong đó, cả nghị quyết và nghị định đều nêu rõ trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.
Vì vậy, các nội dung trong quy chế đấu giá, bao gồm việc người trúng đấu giá bỏ cọc, đều phải bị xử lý, thực hiện theo pháp luật. Tổ chức đấu giá không được tự ý đưa ra thêm chế tài đối với trường hợp này nếu pháp luật không quy định.
Cũng từng trả lời về bỏ cọc đấu giá biển số, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, cho hay quy định hiện hành không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc. Nếu bỏ cọc, người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc, biển số sẽ được đưa về kho để đấu giá lại.
Theo tướng Đức, việc người dân tham gia đấu giá, trúng đấu giá và ký vào biên bản trúng đấu giá là hợp đồng dân sự; người ký sẽ phải có ý thức thượng tôn pháp luật (trong việc nộp tiền trúng đấu giá - PV).
Giải pháp nào ngăn chặn bỏ cọc?
Thanh Niên ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật, đại biểu Quốc hội về việc làm thế nào ngăn chặn tình trạng bỏ cọc trong đấu giá biển số xe. Các ý kiến gợi mở 3 giải pháp mà cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, áp dụng.
Thứ nhất là tăng mức tiền đặt cọc (thay vì 40 triệu đồng), nhất là với các biển số xe có giá trị cao. Cùng đó là áp dụng hình thức cấm tham gia các phiên đấu giá biển số tiếp theo nếu người trúng đấu giá bỏ cọc; xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba…
Thứ hai là áp dụng chế tài bằng việc xử phạt hành vi bỏ cọc theo phần trăm số tiền trúng đấu giá. Ví dụ, biển số 51K-888.88 được đấu giá thành công hơn 32 tỉ đồng, nếu bỏ cọc sẽ bị phạt 30%, tương ứng hơn 9 tỉ đồng.
Hình thức chế tài như trên sẽ đủ sức răn đe, ngăn chặn triệt để việc bỏ giá "vô tội vạ" mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến những người thực sự muốn đấu giá.
Thứ ba là mỗi khách hàng tham gia đấu giá biển số được mở một ví tiền trên website của công ty đấu giá. Mỗi khi trả giá, khách hàng phải nộp số tiền tương ứng vào tài khoản, nếu ví không đủ tiền thì việc trả giá sẽ không thành.
Khi kết thúc đấu giá, nếu khách hàng là người trúng đấu giá, số tiền trong tài khoản đấu giá sẽ được trừ vào số tiền trúng đấu giá; nếu không trúng, tiền trong ví có thể rút về.
Tuy nhiên, để áp dụng phương án này, thời gian đấu giá cần được kéo dài hơn thay vì chỉ trong 1 giờ như hiện nay, để người tham gia đấu giá có thể huy động tiền.
Bình luận (0)