Đó là chia sẻ thẳng thắn của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trước đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 17.10.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các tỉnh biên giới, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi.
Gia cầm, gia súc nhập lậu nguy hiểm hơn thuốc phiện, ma túy
Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm trong 9 tháng đầu năm có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Cơ quan chức năng phát hiện 131 vụ nhập lậu gia cầm, sản phẩm động vật với tang vật thu giữ 116.183 kg; 159.979 con gia cầm, gia súc; 43.912 quả trứng gia cầm.
Trong đó, các địa phương phát hiện, bắt giữ gia cầm, gia súc nhập lậu nhiều nhất là Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Long An, An Giang.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi - thú y - gia cầm, số vụ việc bắt giữ gia súc, gia cầm nhập lậu báo cáo là quá ít so với thực tế.
"Tôi ví dụ mỗi ngày có hàng nghìn con lợn nhập lậu qua biên giới các tỉnh biên giới phía nam, nhưng số liệu báo cáo chỉ bắt được một vài vụ, mỗi vụ vài chục con thì ăn thua gì", ông Dương thẳng thắn nói.
"Tôi có cảm giác các cơ quan chức năng chưa đánh giá hết được vấn đề nguy hiểm, tác hại của gia cầm, gia súc nhập lậu để thực sự siết chặt kiểm soát", Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi - thú y - gia cầm bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng không kiểm soát tốt nhập lậu, không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm; phần lớn bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay đều do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Không kiểm soát được nhập lậu thì không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa.
"Gia súc, gia cầm nhập lậu còn nguy hiểm, tác hại hơn cả ma túy, thuốc phiện. Vì ma túy, thuốc phiện chỉ ảnh hưởng đến một số người thôi, còn sản phẩm chăn nuôi nhập lậu gây hại từ người chăn nuôi, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Nếu không kiểm soát được thì không bảo vệ được thị trường trong nước", ông Dương nói.
"Chỉ làm cao trào, sau bỏ đấy thì không ăn thua"
Thông tin tại hội nghị, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết địa phương này xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới tại H.Lộc Bình.
Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới. Sau đó, các đối tượng vận chuyển bằng xe máy, ô tô về các tỉnh nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng vận chuyển gia cầm, gia súc nhập lậu bằng xe máy, xe ô tô rất manh động, thậm chí cử người theo dõi lực lượng chức năng, điều khiển phương tiện giao thông luồn lách, chạy xe tốc độ cao nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.
"Có đối tượng sẵn sàng đâm xe vào các lực lượng chức năng gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý", ông Quỳnh nói.
Ông Quỳnh nhận định từ nay đến cuối năm, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu còn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát dọc biên giới và lập chuyên án điều tra chống buôn lậu gia súc, gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nhập lậu gia súc, gia cầm đang là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thị trường trong nước, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực này. Việt Nam là đất nước chăn nuôi nhưng lại để xảy ra tình trạng nhập lậu từ gà, vịt, lợn, trâu, bò... thì ngành chăn nuôi trong nước không thể phát triển được.
Trước đại diện các bộ, ngành và địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thẳng thắn cho rằng: "Công tác ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu lâu nay các địa phương vẫn làm chủ yếu kiểu "ném đá ao bèo". Khi báo chí vào cuộc phản ánh thì làm cao trào nhưng sau đó lại bỏ đấy thì không ăn thua".
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hàng năm có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu gia cầm, gia súc.
Bình luận (0)